Lâu nay, nói đến loãng xương, người ta thường nghĩ nữ giới mới mắc. Theo các chuyên gia y tế, đây là sự ngộ nhận tai hại vì nam giới cũng có nhiều nguy cơ loãng xương và khi đã mắc bệnh rồi thì rất nguy hiểm.
Té là gãy
PGS-TS-BS Lê Anh Thư, Chủ tịch Hội Loãng xương TPHCM, cho biết gãy xương do loãng xương thường gặp nhất ở cổ tay, đốt sống và cổ xương đùi do té ngã, va đụng trong sinh hoạt hằng ngày. Có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến loãng xương như tuổi tác, tiền sử gia đình, tầm vóc nhỏ, thiểu năng tuyến sinh dục nam và các tuyến nội tiết, uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá, lối sống ít hoạt động…
Hệ quả nặng nề
Các BS cho biết loãng xương đang được xem là một “dịch bệnh” âm thầm lan rộng khắp cộng đồng vì bệnh thường không có triệu chứng đặc hiệu nào, chỉ phát hiện được khi đã bị gãy xương.
Kết quả khảo sát từ nhóm nghiên cứu của ThS-BS Hồ Phạm Thục Lan, Khoa Nội Cơ xương khớp Bệnh viện Nhân dân 115, cũng cho thấy Việt Nam hiện có tới 30% phụ nữ và 10% nam giới trên 50 tuổi bị loãng xương; tổng số người mắc bệnh này khoảng 2,8 triệu. Nghiên cứu chỉ ra rằng nam giới dễ bị gãy cổ tay, xương đùi, xương đốt sống hơn nếu như bị loãng xương. Nguy hiểm hơn, có đến 30% nam giới tử vong sau một năm bị gãy xương hông. Tuy nhiên, trong cộng đồng, việc ý thức phòng căn bệnh này cũng như nhận thức những hệ lụy nghiêm trọng của nó hiện chưa được quan tâm.
Theo BS Lê Anh Thư, bệnh loãng xương như “sát thủ” thầm lặng đối với sức khỏe con người, nếu mắc phải sẽ để lại hậu quả nặng nề. Gãy xương làm người bệnh đau đớn, mất khả năng vận động, có thể tàn phế, phải sống phụ thuộc vào người khác, thậm chí gia tăng nguy cơ tử vong. Khoảng 30% - 50% trường hợp chết trong vòng một năm sau gãy cổ xương đùi. Tỉ lệ bị gãy cột sống ở nam giới nghiện thuốc lá cao gấp đôi so với người không hút. Biến chứng gãy xương do loãng xương nguy hiểm không kém nhồi máu cơ tim và đột quỵ với tỉ lệ tử vong 20% và đến 50% bị thương tật vĩnh viễn.
Tốt nhất là phòng ngừa Các BS lưu ý khi phát hiện dấu hiệu lâm sàng, cơ thể đã bị mất 30% khối lượng xương. Biểu hiện là người bệnh thường đau mỏi mơ hồ vùng cột sống, đau dọc các xương dài, mỏi cơ bắp hay bị chuột rút, đau theo khoang liên sườn, đau khi ngồi lâu hoặc thay đổi tư thế, đầy bụng chậm tiêu, nặng ngực khó thở, hạn chế vận động. Vì vậy, mọi người cần tự cứu mình khi chưa muộn thông qua việc tập luyện thể dục thường xuyên và duy trì một chế độ dinh dưỡng cân bằng.
BS Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, khuyên phần lớn các trường hợp loãng xương có thể phòng ngừa được bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ như thực hiện chế độ ăn đủ canxi, đủ vitamin D đồng thời tăng cường tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, bổ sung canxi nếu cần, tăng cường thể dục, không hút thuốc, uống rượu ít, duy trì cân nặng hợp lý… |
Bình luận (0)