Chị L.T.H (43 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) đưa con gái 10 tuổi đến Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 (TP HCM) chụp X-quang phổi vì bé ho, khò khè kéo dài... Bác sĩ (BS) cho biết con gái chị mắc bệnh loãng xương nặng cần phải điều trị.
Không có biểu hiện lâm sàng
Trong khi đó, cháu N.T.M (9 tuổi; ngụ quận 5, TP HCM) cũng được cha mẹ đưa đến BV Chấn thương Chỉnh hình khi cẳng chân sưng phù, tấy đỏ rất đau đớn. Kết quả chụp X-quang xác định bé bị gãy xương do loãng xương nặng.
Chị N.T.V (38 tuổi, mẹ của bé M.) kể lên 6 tuổi, bé nặng hơn các trẻ khác nên gia đình hạn chế đạm, canxi, sữa trong khẩu phần ăn của bé. Thế nhưng, tình trạng cân nặng của bé vẫn không cải thiện. "Chỉ vấp nhẹ trong lúc chạy chơi cùng bạn trong lớp, bé đã bị chấn thương và gãy chân. Tôi chưa từng nghĩ con mình bị loãng xương vì nghe nói bệnh này chỉ xuất hiện ở người lớn tuổi" - mẹ của bé M. lo lắng nói.
ThS-BS Nguyễn Đức Quang - quyền Trưởng Khoa Thận nội tiết BV Nhi Đồng 1, cho biết loãng xương là bệnh lý của hệ xương, làm giảm sức khỏe - mật độ xương và làm tăng nguy cơ gãy xương. Đây là tình trạng không thể tránh khỏi ở người lớn tuổi, đặc biệt phụ nữ sau tuổi mãn kinh. Thế nhưng, hiện nay BV đang điều trị cho 13 trẻ loãng xương nặng.
Nguy cơ gây loãng xương phần lớn là do di truyền (chiếm tỉ lệ 70%). Kế tiếp là yếu tố dinh dưỡng như chế độ ăn ít canxi và vitamin D, nồng độ chất đạm thấp, lượng muối cao, tiêu thụ nước uống có gaz quá nhiều. Đối với người lớn tuổi, nghiện rượu, thuốc lá, cà phê quá nhiều cũng làm giảm khối lượng xương. Theo BS Quang, bệnh loãng xương ở trẻ rất khó nhận biết vì không có biểu hiện lâm sàng, chỉ được phát hiện một cách ngẫu nhiên khi trẻ bị một bệnh lý khác.
Trẻ bị loãng xương đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) do điều trị thuốc corticoid kéo dài
Tránh lối sống thụ động
BS Quang khuyến cáo hiện nay, trẻ dễ béo phì do có lối sống thụ động như thường chơi game, xem tivi… cộng với chế độ ăn nhiều thức ăn nhanh, dầu mỡ, uống nước ngọt có gaz. Ngược lại, cho trẻ ăn uống kiêng khem cũng khiến trẻ thiếu chất dinh dưỡng, còi xương… Hai trường hợp trên đều cảnh báo nguy cơ trẻ dễ bị loãng xương. Do đó, cha mẹ nên cho trẻ hoạt động, vận động ngoài trời thường xuyên để tốt cho sức khỏe.
Khá nhiều dạng bệnh lý có thể dẫn đến loãng xương ở trẻ như bệnh lý tuyến giáp (bướu giáp), tuyến cận giáp, tuyến vỏ thượng thận; chứng suy thận mãn; các bệnh về khớp; các bệnh liên quan đến nội tiết như suy giảm nội tiết tố sinh dục, cơ thể kém hấp thu canxi… Những trẻ chạy thận nhân tạo; bị chấn thương phải nằm lâu, viêm xương; sử dụng thuốc chống động kinh, thuốc chống đông máu, thuốc hóa trị ung thư, corticoid… dễ xuất hiện loãng xương sớm.
Theo BS Phan Đức Minh Mẫn, Trưởng Khoa Nhi BV Chấn thương Chỉnh hình, loãng xương ở trẻ thường xuất hiện trên nhiều bệnh lý, có thể biến chứng đi kèm của một căn bệnh nguy hiểm đang tiềm ẩn ở trẻ. Hiện tượng loãng xương do bệnh lý gây ra làm trẻ không dung nạp tốt lượng canxi, giảm chất lượng xương; thường liên quan đến những bệnh lý như rối loạn nội tiết, di truyền, cơ địa, cơ thể kém hấp thu canxi… BS Mẫn cho hay số trẻ nhập viện do gãy xương thời gian qua tại BV Chấn thương chỉnh hình có xu hướng tăng cao. Đặc biệt, đối với những trẻ thừa cân, béo phì, tình trạng gãy xương dễ xảy ra trong quá trình di chuyển, va chạm... Do vậy, gia đình nên quan tâm đến trẻ béo phì, còi xương, có chế độ ăn uống, tập luyện phù hợp để trẻ có thể hấp thu lượng canxi đủ. Những trường hợp loãng xương do bệnh lý cần tránh cho bé va chạm để tránh gãy xương. Nếu loãng xương ở độ tuổi quá trẻ mà không được khắc phục thì khi đến tuổi trung niên, nguy cơ mắc các bệnh về xương khớp càng cao, loãng xương càng nặng làm ảnh hưởng đến vận động, chất lượng sống.
Khám định kỳ 6 tháng/lần
Khi thấy trẻ than bị đau, nhức ở xương cho dù bất cứ nguyên nhân nào thì nên chủ động đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa để khám tìm nguyên nhân. Theo các BS, nên đưa trẻ đi khám định kỳ 6 tháng 1 lần để phát hiện những mầm mống có nguy cơ loãng xương ở trẻ.
Bình luận (0)