Gần 10 tháng nay, lò đốt rác thải y tế (RTYT) ở Bệnh viện (BV) Da liễu tỉnh Khánh Hòa ngừng hoạt động khiến việc xử lý RTYT ở các BV, cơ sở y tế trên địa bàn TP Nha Trang gặp nhiều khó khăn. Các BV phải tự xử lý bằng nhiều cách khác nhau, gây nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Lò hấp rác thải duy nhất ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa đang quá tải
Giải pháp tình thế
Đầu năm 2001, lò đốt RTYT tại BV Da liễu được đưa vào sử dụng phục vụ cho các BV, cơ sở y tế ở Nha Trang và huyện Vạn Ninh - Khánh Hòa. Công suất của lò khoảng 400 kg rác/ngày, trong lúc lượng rác thực tế luôn ở mức trên 600 kg/ngày, do vậy những năm gần đây lò thường xuyên gặp sự cố. Theo BV Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, mỗi khi lò đốt này bị sự cố chỉ 1 tuần, lượng RTYT tồn đọng lên đến trên 2,5 tấn. BV phải xử lý tạm thời bằng cách phun thuốc khử trùng và đưa vào kho lạnh.
Đáng lo ngại hơn, từ tháng 8-2012, lò đốt này đã ngừng hoạt động do hư hỏng, trong khi việc xây dựng thêm nhiều cơ sở vật chất phục vụ y tế đã làm tăng lượng chất thải y tế rắn nguy hại (CTYTRNH). Trước tình hình cấp bách trên, Sở Y tế Khánh Hòa đã chỉ đạo xử lý chất thải lây nhiễm, chất thải phẫu thuật theo phương pháp khử khuẩn bằng nhiệt ướt (autoclave). Sau khi đạt tiêu chuẩn, chúng được xử lý như chất thải thông thường hoặc chôn lấp đối với chất thải y tế là vật sắc nhọn.
Tại BV đa khoa tỉnh, khu vực chứa RTYT được chia thành 2 phòng, một phòng lạnh dùng để chứa CTYTRNH và phòng chứa rác thải thông thường. Với quy mô 1.000 giường bệnh, mỗi ngày BV này thải ra gần 500 kg RTYT. Để xử lý, CTYTRNH được cho vào lò hấp ướt áp lực cao, thực hiện bằng chương trình tiệt trùng Autoclave với nhiệt độ cao trong 15 phút để loại bỏ hết vi khuẩn (cứ khoảng 40 kg rác thải mất khoảng 40 phút để xử lý). Sau đó, số rác này được đưa ra bãi rác Rù Rì (phía Bắc TP Nha Trang) để đốt.
Phương pháp này đã được Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh đồng ý. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, nếu máy hấp rác bị hỏng, lượng RTYT sẽ không biết xử lý ra sao.
Trước đây, BV huyện Vạn Ninh gửi CTYTRNH vào BV Da liễu tỉnh để xử lý. Sau khi lò đốt bị hư, BV phải nhờ lò đốt của BV Ninh Hòa nhưng lò này cũng trong tình trạng quá tải nên phải đốt nhờ ở BV Ninh Diêm. BV Y học cổ truyền, BV Lao và bệnh phổi cũng cho biết lượng RTYT khoảng 2 kg/ngày được xử lý bằng cách bỏ vào hố sâu trong khuôn viên rồi đốt bằng xăng hoặc cồn và lấp lại. Các BV này cho rằng tuy chưa đúng quy trình xử lý CTYTRNH nhưng vẫn phải làm như thế vì để rác càng lâu càng gây ô nhiễm môi trường.
Gồng mình chịu phí
Sở Y tế Khánh Hòa cho biết đang hoàn chỉnh kế hoạch quản lý chất thải y tế đến năm 2015, với việc đầu tư các thiết bị bằng công nghệ mới theo mô hình xử lý tại chỗ cho cơ sở y tế thuộc các huyện, thị xã, TP Cam Ranh và theo cụm đối với các cơ sở y tế tại TP Nha Trang.
Như vậy, việc tiêu hủy RTYT đã có lối ra nhưng nhiều BV cho rằng giá cả như vậy là quá cao, các BV sẽ phải gồng mình trả khoảng chi phí đó. Một lãnh đạo BV Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cho biết với mức giá 25.000 - 30.000 đồng/kg, BV phải chi trả khoảng 400 triệu đồng/tháng, cao gấp 6 lần chi phí được cấp.
Theo Sở Y tế Khánh Hòa, các BV, cơ sở y tế Nhà nước trên địa bàn mỗi ngày thải ra khoảng 750 kg rác và các cơ sở y tế tư nhân khoảng 100 kg rác/tháng. |
Bình luận (0)