Tại hội nghị khoa học toàn quốc lần thứ nhất, do Hội Bệnh mạch máu Việt Nam tổ chức cuối tuần qua, PGS-TS Nguyễn Hữu Ước - Giám đốc Trung tâm Tim mạch và lồng ngực - Bệnh viện Việt Đức (TP Hà Nội), Chủ tịch Hội Bệnh mạch máu Việt Nam - cho biết lóc động mạch chủ type A cấp tính là biến cố tim mạch rất nặng, phần lớn trên người cao tuổi có bệnh nền là cao huyết áp, xơ vữa mạch máu hay bệnh thành mạch bẩm sinh. Bệnh xảy ra đột ngột, gây tổn thương toàn bộ động mạch chủ (ĐMC), đe dọa tính mạng người bệnh. Bệnh chủ yếu gặp ở người cao tuổi nhưng ngày nay đang có xu hướng trẻ hóa, thường gặp ở người trung niên.
Bệnh lý tim mạch phức tạp
Lóc ĐMC type A là bệnh lý nặng nhất trong các bệnh lý tim mạch. Thành ĐMC của con người có 3 lớp, là mạch máu to nhất cơ thể nhưng khi bị lóc sẽ bị tách đôi. Khi mạch máu bị xơ vữa, các mảng vôi hóa, xơ vữa loét vào thành ĐMC, loét cả ĐMC. "Thống kê trên thế giới cho thấy với bệnh lý cấp này, nếu không được can thiệp, bệnh nhân bị lóc ĐMC type A cấp tính sẽ tử vong 25% trong ngày đầu tiên, 50% sau 3 ngày, 80% sau 2 tuần và 90% trong tháng đầu sau khởi bệnh. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, chúng tôi đã áp dụng nhiều kỹ thuật mổ đa dạng và cập nhật để điều trị bệnh lóc ĐMC type A cấp tính với những kết quả thu được rất khả quan" - PGS Nguyễn Hữu Ước nói.
Điều trị bệnh nhân cấp cứu do lóc tách động mạch chủ type A tại Bệnh viện Việt Đức Ảnh: Bệnh viện Việt Đức
Kiểm soát huyết áp để giảm nguy cơ
Theo giới chuyên môn, lóc ĐMC type A có xu hướng gặp ngày càng nhiều ở Việt Nam do gia tăng bệnh lý tim mạch liên quan cao huyết áp và tuổi thọ, đây là biến cố rất nặng và là một trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu của các bệnh lý tim mạch. Triệu chứng lâm sàng của lóc ĐMC type A rất cấp tính, dễ lẫn trong bệnh cảnh của hội chứng vành cấp với các biểu hiện khá phong phú. Đa phần các nghiên cứu đều cho thấy bệnh hay gặp ở nam giới, với độ tuổi trung bình trong khoảng 50 - 65, tuy nhiên còn có thể gặp ở những người trẻ.
Theo TS-BS Phùng Duy Hồng Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch và lồng ngực - Bệnh viện Việt Đức, mới đây, các bác sĩ của bệnh viện đã cứu sống bệnh nhân nam (49 tuổi, quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ) bị lóc tách ĐMC type A cấp tính, nguy cơ tử vong cao. Bệnh nhân này vào viện trong tình trạng đau ngực dữ dội, khó thở, chụp phim cho thấy bệnh nhân bị lóc toàn bộ ĐMC cấp gây thiếu máu ruột. Ca phẫu thuật kéo dài gần 10 giờ. Sau 3 ngày phẫu thuật, tình trạng bệnh nhân ổn định, hiện đã được xuất viện.
Giới chuyên môn cảnh báo các yếu tố nguy cơ chính thường gặp gây lóc tách thành ĐMC là: tăng huyết áp kèm xơ vữa động mạch (gặp ở người có tuổi) hay rối loạn bẩm sinh tổ chức cấu tạo nên thành mạch. Ngoài ra, bệnh dễ xảy ra khi thay đổi thời tiết nóng sang lạnh, cảm xúc mạnh… Phương pháp điều trị chính của lóc ĐMC type A cấp tính là phẫu thuật. Đây là loại phẫu thuật rất phức tạp, kéo dài vì phải xử lý nhiều thương tổn phối hợp phức tạp.
Tại Bệnh viện Việt Đức, trong những năm gần đây phẫu thuật cấp cứu lóc tách ĐMC được thực hiện khá thường quy với tỉ lệ thành công hơn 90%, tương đương với nhiều nước phát triển trên thế giới. Tuy nhiên, đây vẫn là bệnh lý có tỉ lệ tử vong và tai biến phẫu thuật cao, thời gian điều trị kéo dài, chi phí lớn. Do đó, việc dự phòng và ngăn ngừa bệnh lý của ĐMC có ý nghĩa rất quan trọng. Đặc biệt cần phát hiện, kiểm soát và điều trị bệnh tăng huyết áp. "Khi đã chẩn đoán lóc ĐMC type A cấp tính, người bệnh cần được chuyển ngay đến các bệnh viện có khả năng phẫu thuật, tránh phải trải qua nhiều tuyến trung gian, kéo dài thời gian làm nguy hiểm đến tính mạng" - TS-BS Phùng Duy Hồng Sơn lưu ý.
Bình luận (0)