Ung thư tế bào biểu mô vảy vòm họng, dạng phổ biến của ung thư vòm họng được biết là có nhiều nguyên nhân, bao gồm hút thuốc lá và sử dụng rượu. Tuy nhiên, nguyên nhân lớn nhất vẫn là nhiễm trùng HPV16, một virus lây truyền khi quan hệ tình dục thông thường lẫn quan hệ đường miệng, được cho là gây ra khoảng 70% các trường hợp ung thư biểu mô vảy vòm họng.
Mô phỏng các tế bào ung thư vòm họng - ảnh: SHUTTERSTOCK/NAEBLYS
Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi tiến sĩ Mattias Johansson, nhà dịch tễ học ung thư từ Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) có trụ sở chính tại Lyon (Pháp) đã lợi dụng chính các "dấu ấn sinh học" của cơ thể liên quan đến loại virus lây truyền qua đường tình dục này để cho ra đời một loại xét nghiệm máu có thể chẩn đoán ung thư biểu mô vảy vòm họng trước khi căn bệnh phát ra đến 4 thập kỷ.
Theo bài công bố mới đây trên tạp chí Annals of Oncology, khi cơ thể một người xuất hiện các kháng thể chống lại HPV16 như một biểu hiện của sự phơi nhiễm, nguy cơ ung thư vòm họng của họ có thể tăng gần 100 lần!
Theo kết quả phân tích dữ liệu của 743 bệnh nhân ung thư vòm họng và 5.800 người khỏe mạnh để đối chiếu, mức tăng nguy cơ liên quan nhiều đến chủng tộc. Khi xuất hiện dấu ấn sinh học liên quan đến HPV16, nguy cơ ung thư vòm họng của người da trắng tăng 98%, trong khi người da đen tăng 17%.
Thời gian trung bình giữa lần xét nghiệm cho kết quả dương tính đầu tiên đến khi các bệnh nhân phát bệnh là 11 năm nhưng cá biệt có một số mẫu đã dương tính tận 40 năm trước khi bệnh nhân khởi phát ung thư vòm họng.
Vì vậy, xét nghiệm máu nhắm tới dấu ấn sinh học liên quan tới HPV16 có triển vọng trở thành phương pháp chẩn đoán mang tính dự báo với dạng ung thư này, giúp bệnh nhân và bác sĩ có thời gian lên đến nhiều năm, thậm chí là vài thập kỷ để chuẩn bị và đối phó với nó.
"Tỉ lệ ung thư vòm họng do HPV16 gây ra đã gia tăng trong vài thập kỷ qua, đặc biệt là ở nam giới" – tiến sĩ Johansson cảnh báo.
Bình luận (0)