Theo dữ liệu về dinh dưỡng của Bộ Nông nghiệp Mỹ, một củ khoai lang nặng 114 g cung cấp162 calo, 37 g carbohydrate (trong đó có 6 g chất xơ, 12 g đường) và 3,6 g protein. Một khẩu phần ăn khoai lang trung bình cung cấp 100% vitamin A, 37% vitamin C, 16% vitamin B-6, 10% axít phantothenic, 15% kali và 28% magan cho nhu cầu hằng ngày của cơ thể. Trong khoai lang cũng có một lượng nhỏ canxi, sắt, magiê, phốt-pho, kẽm, vitamin E, thiamin, riboflavin và folate.
Khoai lang hàm chứa lượng beta-carotene dồi dào, vốn là chất chống ôxy hóa mạnh sẽ chuyển thành vitamin A khi vào cơ thể. Dùng thực phẩm giàu beta-carotene có thể kéo giảm nguy cơ bị ung thư tuyến tiền liệt, ung thư đại tràng, bệnh suyễn và bệnh tim cũng như có thể làm chậm quá trình lão hóa. Chất xơ trong khoai lang giúp cải thiện lượng đường trong máu, mức độ lipid và insulin ở bệnh nhân bị đái tháo đường. Kali trong khoai lang giúp hạ huyết áp; giúp điều hòa tiêu hóa và chống táo bón. Chất sắt trong khoai lang có thể giúp tăng cường khả năng sinh sản ở phụ nữ cũng như vitamin A là chất thiết yếu trong quá trình mang thai, tạo sữa cho bà mẹ và tổng hợp các hormone. Hai vitamin A và C trong khoai lang giúp tăng cường khả năng hoạt động của hệ miễn dịch. Nhờ vào các vitamin A, C và E, khoai lang giúp bảo vệ mắt trước nguy cơ thoái hóa do tuổi già.
Ngoài ra, chất choline chứa trong khoai lang có tác dụng kháng viêm, giúp ngủ ngon; tăng cường sự vận động của cơ, khả năng học tập và ghi nhớ, đồng thời giúp duy trì cấu trúc màng tế bào, giúp cho sự dẫn truyền các xung thần kinh.
Bình luận (0)