Bát nháo thị trường chợ đen
Số liệu mới nhất từ điều tra tình hình sử dụng thuốc lá tại 34 tỉnh, thành năm 2020 cho thấy tỉ lệ hút thuốc lá điện tử (TLĐT) tăng gấp 18 lần so với năm 2015 (từ 0,2% lên 3,6%). Báo cáo từ các bộ ngành liên quan cũng đã cảnh báo tình trạng tăng tỉ lệ sử dụng TLĐT ở thanh thiếu niên là 2,6%. Như vậy, nguồn cung từ thị trường chợ đen ngày càng tăng cao, đáp ứng nhu cầu sử dụng TLĐT tăng theo tỉ lệ thuận.
Nguyên nhân gia tăng ở giới trẻ, có thể đây là chiêu trò của một số công ty thuốc lá khi dẫn dắt, thậm chí là sử dụng những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội để quảng cáo. Thực tế, chưa có tập đoàn, công ty trong nước nào được phép nhập khẩu chính hãng các mặt hàng này.
Các chuyên gia phân tích, cần nhìn nhận đúng rằng những chiêu bài của giới buôn lậu trong bối cảnh thiếu cơ chế quản lý mới là nguyên nhân chính gây ra sự gia tăng tỉ lệ sử dụng TLĐT tràn lan không kiểm soát trong xã hội.
Đáng nói, sự phổ biến của các mặt hàng chợ đen đã ăn sâu đến nỗi chính những người đang sử dụng các nguồn hàng lậu này không ngần ngại bảo vệ cho những sản phẩm mà mình đang sử dụng, bất chấp những cảnh báo sức khỏe. Trong đó có không ít bình luận chia sẻ kinh nghiệm hút vape (còn gọi là hút thuốc lá điện tử) và dùng vape để cai thuốc lá điếu.
Kết quả tìm kiếm "thuốc lá điện tử" cho ra vô số nhóm buôn bán, trao đổi TLĐT hàng xách tay, nhập lậu không rõ nguồn gốc, nhà sản xuất… Các sản phẩm được quảng cáo với mẫu bắt mắt, mùi vị đa dạng, "thổi phồng" công dụng, thậm chí có không ít hình ảnh chụp người thật việc thật khẳng định việc cải thiện sức khỏe khi chuyển từ hút thuốc lá điếu sang hút vape.
Theo thống kê của Tổng cục Quản lý Thị trường, năm 2020, số vụ buôn bán TLĐT và các sản phẩm TLTHM nhập lậu khác bị lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, xử lý lên tới gần 4.000 vụ. Năm 2021, vấn nạn này vẫn tiếp diễn ở nhiều địa phương. Đáng báo động, vì thiếu chế tài quản lý nên giới trẻ mua TLĐT rất dễ dàng. Đây là lý do khiến tỉ lệ giới trẻ tò mò, sử dụng TLĐT nhập lậu gia tăng ở mức báo động. "Nếu không quản lý quyết đoán, giới trẻ cũng có thể bị giới buôn lậu dụ dỗ pha thêm các chất cấm vào TLĐT để tăng thêm độ "chịu chơi"" - một chuyên gia cảnh báo.
Tình trạng này có thể làm tăng áp lực cho các cơ quan chức năng, đe dọa sức khỏe cộng đồng. Bởi việc buôn bán lậu các sản phẩm này trung bình lãi tăng gấp 4-5 lần do không phải chịu thuế, không gánh nặng tồn kho, hạn sử dụng… Thậm chí khi bị bắt cũng chỉ bị xử lý hành chính như là loại hàng hóa do nhập lậu không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc. Do vậy, việc kinh doanh TLĐT được nhiều người cho là "mảnh đất màu mỡ", rủi ro thấp, nhưng siêu lợi nhuận.
Kiểm soát thuốc lá thế hệ mới: Vẫn chờ!
Cung và cầu đối với TLĐT hiện đang tăng theo tỉ lệ thuận không phải là vấn đề mới trong xã hội. Từ 5 năm trước, Chính phủ đã dự đoán được sự phát triển và tính phổ biến của các sản phẩm mới này nên nhiều lần yêu cầu Bộ Công thương phối hợp liên bộ nghiên cứu xây dựng chính sách quản lý để phòng chống nạn buôn lậu từ rất sớm, nhưng đến nay mọi việc vẫn đang nằm trong vòng thảo luận của các Bộ ngành liên quan.
Dựa trên nhu cầu và thực trạng hiện nay, các chuyên gia cho rằng giải pháp cần làm hiện giờ là phải đưa các sản phẩm mới này vào quản lý để kiểm soát như mọi sản phẩm thuốc lá hiện diện trên thị trường. Không thể để nghịch lý kéo dài khi thuốc lá điện tử lậu được mua bán, sử dụng công khai. Thị trường chợ đen bát nháo, tự quyết định cơ chế lưu thông hàng hóa như hiện nay đã gây khó khăn cho quản lý nhà nước, sức khỏe cộng đồng và gây phương hại về mặt khoa học đối với những sản phẩm đã được kiểm chứng, xác nhận là sự thay thế tốt hơn so với thuốc lá điếu thông thường.
Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện - Ủy Ban thường vụ Quốc hội trong một lần trả lời báo chí đã nhấn mạnh, cần tận dụng lợi thế sẵn có của Luật Phòng, chống THTL hiện hành để sớm đưa các sản phẩm này vào kiểm soát trên cơ sở phù hợp với pháp luật Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế.
Với các sản phẩm TLĐT, TLTHM nói chung, WHO khuyến cáo, chính phủ các nước cần kiểm soát chặt chẽ, sản phẩm phải tuân thủ các biện pháp chính sách và quy định áp dụng dựa trên Luật KSTL hiện hành của nước sở tại, đồng thời phù hợp với Công ước Khung về KSTL.
Bình luận (0)