. Phụ nữ dễ mắc bệnh nha chu do cơ thể có sự xáo trộn nội tiết tố vào những thời kỳ dậy thì, mang thai, mãn kinh...
Ngày
Các bác sĩ không thể điều trị cho anh N.H.P ngay mà phải hướng dẫn anh cách vệ sinh răng miệng. Sang tuần sau việc điều trị cho bệnh nhân N.H.P mới được tiến hành. Bác sĩ Nguyễn Thị Thúy Nga, trưởng khoa chữa răng nha chu, cho biết do anh N.H.P mắc bệnh nha chu từ nhỏ cộng thêm việc vệ sinh răng không kỹ làm cho miệng có mùi hôi khá nặng. Đó là một trong 967 trường hợp đến khám và điều trị nha chu tại Trung tâm Răng Hàm Mặt vào tháng 6-2002.
Bệnh diễn tiến thầm lặng, gây nhiều biến chứng
Mỗi tháng, khoa chữa răng nha chu tiếp nhận khoảng 1.000 bệnh nhân. Theo bác sĩ Thúy Nga, bệnh nha chu diễn tiến rất thầm lặng nên mọi người thường không quan tâm. Vì vậy bệnh thường được phát hiện ở giai đoạn trễ khi bệnh nhân đã có nhiều biến chứng như hôi miệng, gãy răng, viêm nướu... Triệu chứng của bệnh là gây viêm, sưng, nóng, đỏ đau ở vùng nướu bị tổn thương do mảng bám của vi khuẩn và cao răng. Biểu hiện ban đầu của bệnh không rõ ràng, nướu sưng to rồi tự xẹp xuống làm bệnh nhân tưởng vết thương ấy tự lành. Cứ thế, nếu bệnh nhân không điều trị kịp thời thì lớp mô nâng đỡ răng, dây chằng sẽ bị phá hủy và làm tiêu xương ổ răng.
Thông thường khi bị viêm nướu bệnh nhân rất ngại vệ sinh răng miệng kỹ vì như thế sẽ làm chảy máu răng nhiều. Bác sĩ Thúy Nga cho biết đây là sai sót trong khâu vệ sinh, bảo vệ răng miệng. Vì ngại đau, mọi người đã không vệ sinh răng miệng kỹ nên càng tạo điều kiện cho mầm bệnh nha chu phát triển. Vệ sinh răng miệng là bước cơ bản quyết định sự thành công trong việc ngăn ngừa và điều trị nha chu. Vì vậy khi bị viêm, sưng, nóng, đỏ, đau mà chưa có sự can thiệp của các y, bác sĩ bệnh nhân vẫn phải vệ sinh răng miệng kỹ để tẩy sạch các mảng bám. Tuy nhiên, tốt hơn hết bệnh nhân nên đến cơ sở nha khoa kịp thời khi phát hiện những triệu chứng trên.
Thai phụ cần thường xuyên khám răng miệng
Nha chu không tác động trực tiếp lên răng như bệnh sâu răng nên mọi người không thấy được bệnh ở giai đoạn đầu. Vì thế ngay cả những người đánh răng nhiều lần trong ngày mà không đúng cách cũng có nguy cơ mắc bệnh này. Những người hút thuốc lá, người già, người bị tiểu đường rất dễ mắc bệnh nha chu. Đặc biệt phụ nữ vào thời kỳ dậy thì, lúc hành kinh, mang thai hay mãn kinh có nguy cơ mắc bệnh nha chu cao do cơ thể có sự xáo trộn nội tiết tố, làm tăng sinh mao mạch. Cho nên phụ nữ cần chú ý hơn đến việc vệ sinh răng miệng để hạn chế mắc phải bệnh nha chu. Khi có thai, ở miệng thai phụ xuất hiện những u nướu, thông thường u nướu này sẽ tự biến mất sau khi sinh nhưng nếu sau thai kỳ mà u nướu vẫn còn thì bệnh nhân cần đến nha khoa để được phẫu thuật. Vì vậy bác sĩ Thúy Nga cũng lưu ý thai phụ không chỉ chú trọng việc khám thai mà còn quan tâm đến khám răng miệng.
Nha chu, ngoài việc phá hủy các mô nâng đỡ răng, làm tiêu xương ổ răng, lệch răng, gãy răng còn gây hôi miệng làm mọi người thiếu tự tin trong giao tiếp, bị cô lập trong cuộc sống. Bên cạnh đó nha chu còn có biến chứng như làm đau vùng thái dương, gây khó khăn cho bệnh nhân trong việc ăn uống. Đây là nguyên nhân của bệnh đau dạ dày ở những người mắc bệnh nha chu.
Bình luận (0)