Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội (gọi tắt là Bệnh viện) vừa tổ chức buổi lễ trực tuyến "Công bố và trao quyết định 10 ca thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) miễn phí 100% và các chương trình xét duyệt miễn phí trong Tuần lễ vàng 2021" cho những trường hợp bệnh nhân đủ điều kiện, đã nộp hồ sơ đăng ký xét duyệt từ chương trình Tuần lễ vàng 2021 - Ngôi nhà hạnh phúc.
25 em bé "ống nghiệm" chào đời khỏe mạnh
Đây là năm thứ 3 liên tiếp Bệnh viện hỗ trợ TTTON hoàn toàn miễn phí cho các cặp vợ chồng khó khăn. Trong các ca được TTTON miễn phí từ năm 2019 đến nay, 85% gia đình đã có tin vui và sinh con khỏe mạnh. 25 em bé đã chào đời, một số đang chờ sinh với sự theo dõi, hỗ trợ tối đa từ Bệnh viện. Các gia đình còn lại đang chuẩn bị chuyển phôi trong thời gian sắp tới.
"Phép mầu" giữa đời thường có thể kể đến cặp vợ chồng thầy giáo Quách Văn Thị - Nguyễn Thị Hồng Tiến ở huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên. Anh chị là gia đình đầu tiên đón bé thành công nhờ chương trình hỗ trợ của Bệnh viện năm 2019. Anh Thị cho biết năm 2013, anh kết hôn, trải qua 3 năm mong đợi, vợ chồng anh vẫn không có con. Trong một lần thu hoạch xong vụ sắn, anh đã vay thêm tiền, dẫn vợ đến 2 bệnh viện lớn ở TP Hà Nội để khám. Kết quả, anh bị tinh trùng yếu, vợ bị đa nang buồng trứng. Vì không có tiền nên vợ chồng anh đành gác lại việc chạy chữa. Nhiều năm trôi qua, mơ ước có mụn con cứ thế xa vời. Tháng 6-2019, tình cờ qua mạng xã hội, anh Thị biết thông tin Bệnh viện hỗ trợ miễn phí 10 ca TTTON nên đã làm hồ sơ và may mắn được hỗ trợ. Ngày 8-6, vợ chồng anh Thị - chị Tiến đón 2 bé sinh đôi khỏe mạnh chào đời, đặt tên là Nhật Thạch và Nhật Thành.
Bác sĩ Nguyễn Khắc Lợi, Giám đốc chuyên môn của Bệnh viện, cho biết tính đến thời điểm này, trong khuôn khổ chương trình TTTON miễn phí, sau 3 năm triển khai, có 33 gia đình hiếm muộn khó khăn được Bệnh viện hỗ trợ miễn phí. Trên thực tế, bất cứ ai rơi vào hoàn cảnh hiếm muộn đều chịu rất nhiều áp lực, cả về kinh tế lẫn tinh thần. Riêng với các gia đình khó khăn, áp lực đó càng đè nặng khi chi phí thực hiện các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, đặc biệt là TTTON, không phải nhỏ. Do đó, thông qua chương trình, chúng tôi muốn tiếp sức cho họ, trước nhất là sự hỗ trợ về chi phí, tiếp đó là sự tận lực hết mình của đội ngũ y - bác sĩ để giúp các gia đình chạm vào ước mơ làm cha làm mẹ. Chứng kiến niềm hạnh phúc của các gia đình lần đầu chào đón con yêu sau bao năm mòn mỏi đợi chờ, chúng tôi càng có thêm động lực để duy trì và thực hiện thêm nhiều chương trình hỗ trợ nhân văn như thế.
Bác sĩ Lê Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội (áo blouse trắng), cùng các gia đình được làm thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí thành công
Tiếp sức cho các gia đình hiếm muộn
Theo bác sĩ Nguyễn Khắc Lợi, năm nay, 10 cặp vợ chồng may mắn được làm TTTON miễn phí sẽ được Bệnh viện hỗ trợ 100% chi phí thực hiện TTTON (chi phí xét nghiệm, kích trứng, chọc trứng, tạo phôi, trữ phôi, chuyển phôi…), khoảng 70-100 triệu đồng tùy từng trường hợp. Ngoài ra, Bệnh viện sẽ hoàn tiền khám, xét nghiệm trước đó đối với các gia đình đã thực hiện để hoàn thiện hồ sơ. Riêng chi phí ăn ở, đi lại, sinh hoạt cá nhân cũng như những chi phí phát sinh không nằm trong quy trình thực hiện TTTON, bệnh nhân sẽ tự thanh toán theo quy định. Ngoài ra, Bệnh viện còn hỗ trợ chi phí thực hiện TTTON thêm cho 1 gia đình có hoàn cảnh đặc biệt, trị giá 30 triệu đồng.
Chia sẻ niềm vui nhận được hỗ trợ TTTON miễn phí trong Tuần lễ vàng 2021, chị Nguyễn Thị Quỳnh Trang (ngụ thị trấn Trường Sơn, huyện An Lão, TP Hải Phòng) nghẹn ngào cho biết vợ chồng chị kết hôn từ năm 2015 nhưng chưa có con. Cả hai từng làm TTTON một lần nhưng không thành công. Khi mong ước có được đứa con của chính mình dường như phải gác lại để lo toan cuộc sống thì chính sự hỗ trợ của Bệnh viện đã mang đến hy vọng mới cho gia đình anh chị. Còn gia đình chị Phạm Thị Phượng - anh Phạm Văn Quyết (ở tỉnh Hưng Yên) kết hôn từ năm 2003 nhưng dù thăm khám, chạy chữa nhiều nơi vẫn không có kết quả. Thu nhập từ nghề thợ hàn của anh và nghề phụ hồ của chị ngoài lo cuộc sống, chăm mẹ già đã 90 tuổi khó có thể giúp họ tiếp tục theo đuổi hành trình gian nan này. Do đó, sự hỗ trợ từ Bệnh viện thời điểm này đã tiếp thêm sức mạnh, niềm tin cho đôi vợ chồng.
ThS-BS Lê Thị Thu Hiền - Phó Giám đốc, Trưởng Khoa Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện - cho biết: "Qua từng năm thực hiện chương trình hỗ trợ cộng đồng, cụ thể như Tuần lễ vàng hay hỗ trợ TTTON miễn phí, chúng tôi luôn trăn trở phải làm sao để hỗ trợ ngày càng nhiều cặp vợ chồng hơn cũng như tăng sự đa dạng trong các hình thức hỗ trợ. Thực tế, trong quá trình thăm khám, Bệnh viện tiếp nhận rất nhiều ca khó, hiếm muộn do nhiều nguyên nhân, như vợ chồng mang gien bệnh lý hiếm, người chồng vô tinh, vợ chồng hiếm muộn lâu năm, sẩy thai nhiều lần… "Việc can thiệp hỗ trợ sinh sản cho những trường hợp này, cụ thể là thực hiện TTTON đòi hỏi thêm những kỹ thuật, quy trình phức tạp và tốn kém hơn so với các ca thông thường như phải phẫu thuật, áp dụng kỹ thuật sàng lọc phôi, nuôi phôi trong môi trường tối ưu… để giúp họ sinh ra những đứa con khỏe mạnh" - bác sĩ Hiền chia sẻ.
Bình luận (0)