Bộ Y tế đang hoàn tất dự thảo nghị định của Chính phủ quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ sau khi nội dung này được thông qua trong Luật Hôn nhân - Gia đình sửa đổi. Nghị định dự kiến có hiệu lực từ ngày 1-1-2015 này mở ra cơ hội làm cha mẹ cho các cặp vợ chồng hiếm muộn nhưng cũng còn không ít ý kiến băn khoăn, lo ngại.
Quy về 3 bệnh viện
Theo PGS-TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, dự thảo nghị định chỉ cho phép 3 cơ sở y tế từng thực hiện thành công kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ đại diện 3 khu vực Bắc - Trung - Nam, gồm: Bệnh viện Phụ sản trung ương (Hà Nội), Bệnh viện Đa khoa trung ương Huế và Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM).
Đại diện Bộ Y tế cho rằng nhu cầu mang thai hộ không nhiều nên chỉ cho phép một số cơ sở y tế của nhà nước mang tính đại diện theo khu vực thực hiện nhằm tránh tình trạng mang thai hộ tràn lan, biến tướng. Bộ Y tế sẽ thực hiện thí điểm tại 3 cơ sở nêu trên trong vòng 1 năm để cơ quan quản lý có thể tổng kết, rút kinh nghiệm.
Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế, cho biết việc có cho phép mang thai hộ hay không sẽ do một hội đồng độc lập đánh giá, dựa trên các hồ sơ về tình trạng bệnh lý không thể mang thai tự nhiên của người nhờ, quan hệ họ hàng giữa người nhờ và người mang thai hộ, điều kiện sức khỏe của người mang thai hộ…
“Phải quy định điều kiện cho trường hợp mang thai hộ là để ngăn chặn sự biến tướng, thương mại hóa việc này, tránh tình trạng đẻ thuê, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội. Chúng ta không loại trừ trường hợp có người vẫn bảo đảm các yếu tố sinh đẻ nhưng ngại kết hôn nên nhờ người khác mang thai hộ. Do vậy, các bệnh viện được giao trọng trách này cũng phải có trách nhiệm xem xét, kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ để thực hiện đề nghị mang thai hộ” - ông Quang yêu cầu.
Cánh cửa còn quá hẹp
PGS-TS Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh để kiểm soát vấn đề thương mại hóa, Bộ Y tế lên phương án những tinh trùng đã thụ tinh thành công thì không được tiếp tục cho. Tất cả trung tâm phải liên kết chặt chẽ với nhau về thông tin để biết được những mẫu tinh trùng nào đã thực hiện có kết quả, phải tạo cho được mã số riêng biệt cho từng mẫu tinh trùng. Những người mang thai hộ sẽ được lưu thông tin trên máy tính và kết nối dữ liệu với các trung tâm khác.
Theo PGS-TS Tiến, mang thai hộ sẽ thực hiện với trường hợp người vợ không mang thai được do mắc các bệnh lý về tim mạch, huyết áp, rối loạn đông máu, rối loạn nội tiết nặng… Phụ nữ được mang thai hộ còn có thể do không có tử cung vì những bệnh lý bẩm sinh hoặc tử cung hoàn toàn không có khả năng mang thai, bị cắt tử cung do ung thư hay dị dạng bất thường…
Dự thảo nghị định của Bộ Y tế nêu rõ việc mang thai hộ thực chất chỉ là phương pháp “mượn bụng”. Muốn thực hiện được kỹ thuật mang thai hộ, người vợ phải có noãn, người chồng phải có tinh trùng tương đối bình thường. Noãn của vợ và tinh trùng của chồng được lấy ra để làm thụ tinh và phát triển thành phôi trong ống nghiệm, sau đó những phôi tốt sẽ được chọn để đưa vào dạ con của người mang thai hộ. Khi đó, tử cung của người mang thai hộ sẽ nuôi dưỡng thai nhi. Đứa bé được sinh ra sẽ mang gien di truyền của người có trứng chứ không phải của người mang thai hộ.
“Đứa trẻ hoàn toàn mang gien di truyền của vợ và chồng, không bị ảnh hưởng bởi người mang thai hộ. Trong trường hợp này, tử cung của người mang thai hộ sẽ giống như “vườn ươm” cho thai nhi” - PGS Tiến giải thích.
Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng về hình thức và gien, dù đứa trẻ không chịu ảnh hưởng gì từ người mang thai hộ nhưng không thể loại trừ việc xuất hiện sợi dây tình cảm giữa người này và đứa bé trong suốt thai kỳ. Ngoài ra, mang thai hộ cũng là một hình thức mang thai bình thường nên nếu người mang thai hộ vô tình nhiễm Rubella, cúm, tiểu đường… thì đứa trẻ cũng sẽ bị ảnh hưởng.
“Theo dự thảo nghị định, người mang thai hộ chỉ cho “mượn bụng”, còn trứng và tinh trùng phải là của cặp vợ chồng nhờ mang thai. Thế nhưng, với những rủi ro trong quá trình thai nghén, có lẽ không nhiều chị em - dù là thân thích, họ hàng - dám đứng ra cho “mượn bụng” suốt 9 tháng 10 ngày” - một bác sĩ phụ sản băn khoăn.
Nhiều ý kiến còn cho rằng quy định như trong dự thảo nghị định là cánh cửa quá hẹp. Đơn cử, nếu người vợ hỏng trứng, người chồng “tinh binh” yếu thì chẳng có cơ hội hưởng sự nhân văn của luật. Điều đó sẽ đẩy nhiều người đến chỗ lén lút tìm phụ nữ đẻ thuê và nảy sinh nhiều hệ lụy…
Chỉ được giúp một lần
Ông Nguyễn Huy Quang cho biết theo quy định, điều kiện để nhờ mang thai hộ là 2 vợ chồng không có con chung, phải có xác nhận của tổ chức y tế thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Trong khi đó, người mang thai hộ phải đủ các điều kiện: Là thân thích cùng họ hàng của người nhờ (vợ hoặc chồng), từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần, ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế thẩm quyền. Trường hợp người mang thai hộ đã có gia đình thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của người chồng.
Dự thảo nghị định cũng bỏ quy định với người nước ngoài để tránh phân biệt đối xử; bỏ trường hợp mẹ đẻ giùm con gái, bà đẻ giùm cháu. Đồng thời, không giới hạn tuổi trần với người nhận tinh trùng, noãn, phôi.
Bình luận (0)