Đáng tiếc là mụn nếu ở dạng trứng cá hay đầu đinh thì không thể gây sẹo nhưng lại hằn sâu trong cuộc sống của nạn nhân vì nhiều đối tượng có thói quen nặn mụn hoặc nặn mụn quá mạnh tay. Nhức nhối lại thêm ngứa ngáy trên mặt hỏi sao nạn nhân khó tránh không táy máy nhưng nhiều người nặn mụn đến độ thành thói quen thì lại là chuyện khác.
Thầy thuốc đã không vô cớ mô tả tình trạng này thành một hội chứng bệnh lý mang tên “hội chứng nặn mụn” hẳn hoi để mô tả việc nạn nhân suốt ngày mằn mò trên mặt, cho dù nhiều khi mặt không có mụn.
Nhiều loại rau quả có tiền sinh tố A, rất tốt cho việc phòng ngừa mụn. Ảnh: Hồng Thúy
Cách dự phòng tốt nhất, tất nhiên là làm sao để mặt đừng nổi mụn. Giải pháp thực ra là không quá khó nếu bệnh nhân bên cạnh thuốc đặc hiệu, biết nắm thêm vài mánh “trong ăn uống, ngoài chăm da”. Cụ thể như:
- Uống nước tối thiểu đủ 2 lít/ngày, nhất là trong suốt giờ lao động đổ mồ hôi, để giảm độ đậm đặc của chất nhờn trong tuyến bã; nếu pha với nước ép đu đủ, thơm hay chanh thì càng tốt.
- Dùng cải, loại nào cũng được, trong mỗi bữa ăn. Nên chú trọng món cải chua hay kim chi để hỗ trợ lực lượng vi sinh hữu ích trong khung ruột. Nên dùng men vi sinh mỗi ngày l lần, pha trong sữa chua, càng hay.
- Tăng các loại rau, trái có nhiều tiền sinh tố A (như cà chua, cà rốt, rau dền...) trong khẩu phần.
- Giảm tối đa rượu bia, các món ngọt và tránh xa các món ăn đã từng gây dị ứng.
- Dùng thuốc có khoáng tố vôi, kẽm, crôm trong giai đoạn mụn phát tán.
Không sẹo mới hay
Với những người mặt đã lỡ nổi mụn rồi thì điều cần làm nhất là làm sao để tránh đừng mang sẹo mụn. Đây cũng là câu hỏi mà nhiều người băn khoăn nhưng thực ra cũng không khó để phòng tránh, nếu lưu ý những việc sau đây:
- Che kín da mặt nếu phải tiếp xúc với ánh nắng gay gắt, đặc biệt trong khoảng 11 giờ đến 13 giờ.
- Không sử dụng mỹ phẩm trong lúc mụn đang bộc phát nhằm tránh phản ứng tương tác bất lợi trên da.
- Ngưng tất cả các loại thuốc dùng ngoài, kể cả thuốc trị mụn, khi thấy có hiện tượng dị ứng. Tìm gặp ngay thầy thuốc để được điều trị dị ứng đến nơi đến chốn, vì dị ứng dễ trở thành trầm trọng ở người đang bị mụn nặng.
- Tập thói quen dùng sữa rửa mặt loại chống nhờn, đồng thời chứa hoạt tính dưỡng da (như rong biển, trái bơ, mật ong, cà rốt) ngày 2 lần, sáng và tối. Đừng quên rửa mặt sau đó thật kỹ bằng nước sạch nhằm tránh trường hợp mụn phát sinh trên vùng da không sạch sữa rửa mặt. Nếu rửa mặt vào buổi tối bằng sữa rửa mặt (loại có pha hạt mịn càng tốt) để tẩy cho sạch lỗ chân lông.
- Chọn loại kem trị mụn có độ hòa tan và thẩm thấu nhanh. Nếu tìm được loại có hoạt chất “nhiều trong 1” vừa kháng viêm vừa kháng sinh lại thêm chống dị ứng trong cây thuốc (như kim ngân hoa, rau má, bồ công anh...) càng tốt.
- Nên dùng dung dịch làm se da và chống nhờn, chẳng hạn với hoạt chất dẫn xuất từ sen, nha đam, hoa vạn thọ... trước khi đi ngủ.
Không nặn khi chưa chín muồi Khi đã bị mụn, lưu ý tuyệt đối không nặn mụn, nhất là khi mụn chưa chín muồi, vì dễ làm hư da, sinh sẹo. Nếu cần nặn mụn để bớt đau nhức thì trước đó nên xông mặt bằng hơi nước ấm 10 phút để nở lỗ chân lông. Đừng cố sức nặn mụn theo chiều bóp mạnh từ ngoài vào trong mà cần kéo nhẹ mặt da theo chiều từ điểm mụn ra ngoài để cồi mụn nào đã chín muồi sẽ tự động bật ra khỏi lỗ chân lông. |
Bình luận (0)