Bạn đọc Nguyễn Thiện Mỹ An (30 tuổi, Long An) hỏi: Lần mang thai trước em bị sinh non lúc chưa đầy 9 tháng do vỡ ối sớm, khi đó có chẩn đoán là nước ối quá nhiều. Nay đã 3 năm, em có con lần thứ 2, thai hiện đã 7 tháng và em hay uống nước dừa vì nghe nói uống vậy con sẽ trắng, khỏe nhưng chị em vừa nói vì thói quen uống nước dừa hàng ngày mà đứa con trước của em bị đa ối vì thừa nước... Thực hư thế nào mong bác sĩ giải thích?
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thông, Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe sinh sản TP HCM, trả lời:
Ở lần mang thai trước, bé bị đẻ non là hậu quả của tình trạng đa ối hoặc dư ối (tử cung bị căng to hơn bình thường và rất dễ bị vỡ ối sớm). Đa ối hay dư ối có thể do nhiều nguyên nhân từ mẹ và thai nhi dẫn đến mất cân bằng giữa việc tạo ối và hấp thu, thải trừ nước ối. Đa ối thường gặp trong những trường hợp thai bị dị tật (đường tiêu hóa hoặc đường tiết niệu), bất thường về bánh nhau và phần phụ của bánh nhau, cũng có khi không tìm thấy nguyên nhân rõ ràng. Việc uống quá nhiều nước dừa trong lúc mang thai không thể gây tình trạng đa ối vì lượng nước uống vào của người mẹ không trực tiếp đi vào buồng ối, nếu dư thừa sẽ được bài tiết ra ngoài theo nước tiểu, mồ hôi và hơi thở.
Việc thường xuyên uống nước dừa trong lúc mang thai vì nghĩ rằng "con sẽ trắng, khỏe" là một quan niệm được truyền trong dân gian hoàn toàn không có cơ sở khoa học và không có kết quả như mong muốn, ngược lại nếu tin và lạm dụng còn có thể gây tác hại cho thai phụ.
Nước dừa là thức uống thường được dùng, khá bổ dưỡng, có thể dùng để bổ sung nước; một số chất điện giải như canxi, kali, clorua, phốt pho…; một số vitamin như A, B, E…cùng một lượng đường năng lượng thấp và an toàn hơn đường mía. Tuy nhiên, một số trường hợp không nên uống:
- Đang bị rối loạn tiêu hóa nặng do ốm nghén.
- Không nên uống ngay khi đang mệt mỏi, sau khi đi nắng về, ra mồ hôi nhiều, trường hợp hạ huyết áp …vì nước dừa có thể làm tăng cảm giác mệt mỏi, oải cơ.
- Không được uống nước dừa nếu thai phụ có vấn đề bệnh lý như tiểu đường thai kỳ, bệnh thận, tim mạch mà chưa tham khảo ý kiến thầy thuốc đang điều trị bệnh cho mình.
- Lưu ý không uống nước dừa đã qua chế biến (không rõ chất phụ gia) hoặc ngâm tẩm thuốc tẩy (làm đẹp quả dừa), nước dừa bảo quản không tốt, lên men chua…
Uống nước dừa quá nhiều có nguy cơ làm mất cân đối và thiếu chất dinh dưỡng cho thai phụ, nên dù bạn không thuộc các trường hợp nói trên, cũng chỉ nên uống ít (1 quả/ngày), nên ăn kèm cơm dừa non và lựa chọn dừa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Về việc lỡ uống nhiều nước dừa trong thời gian qua, bạn không nên lo lắng nếu thai kỳ vẫn ổn.
Đối với việc đã có tiền sử đa ối và đẻ non như bạn thì thai kỳ lần này được xem là có nguy cơ cao và phải được khám thai, chăm sóc, theo dõi sự phát triển của thai nhi chặt chẽ hơn, phát hiện kịp thời các bất thường để có thể xử trí và sinh con an toàn.
Bình luận (0)