Thai kỳ ở người bình thường là một trong những nguy cơ ảnh hưởng đến chức năng thận. Tuy nhiên, các bác sĩ ở Việt Nam đã thành công khi giúp những bà mẹ suy thận, ghép thận sinh con.
Làm mẹ sau 7 năm chạy thận
Mới đây, sản phụ Hoàng Ngọc Yến (31 tuổi; ngụ quận Hoàng Mai, Hà Nội) bị suy thận giai đoạn cuối, phải chạy thận nhân tạo 7 năm qua nhưng đã sinh con khỏe mạnh. Sau hơn 30 tuần thai nghén, bệnh nhân được điều trị và chăm sóc đặc biệt dưới sự giám sát của các y - bác sĩ nhiều chuyên khoa thuộc Bệnh viện (BV) Bạch Mai, bé trai đã chào đời với cân nặng 1,5 kg. Hơn 1 tháng được chăm sóc tại BV Bạch Mai, cách đây ít ngày, bé đã xuất viện khỏe mạnh với cân nặng 2 kg. Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng Khoa Thận nhân tạo BV Bạch Mai, việc bệnh nhân Yến được “mẹ tròn con vuông” thực sự là kỳ tích bởi đối với bệnh nhân suy thận, tỉ lệ có thai chỉ đạt 1%-7%. Hơn 40 năm qua, Khoa Thận nhân tạo mới ghi nhận 5 bệnh nhân chạy thận nhân tạo có thai, trong đó 3 trường hợp bị sẩy thai hoặc phải đình chỉ thai nghén; 1 trường hợp có thai 30 tuần phát hiện suy thận, bệnh nhân được lọc máu 2 tuần thì sinh con. Bệnh nhân Hoàng Ngọc Yến là trường hợp đầu tiên tại BV Bạch Mai được theo dõi từ đầu đến cuối quá trình thai nghén trong khi lọc máu cho đến khi hai mẹ con xuất viện.
Bác sĩ Dũng cho biết ngay cả trên thế giới, Chương trình nghiên cứu đa trung tâm của châu Âu trong hơn 10 năm tại một số quốc gia như Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Anh... chỉ ghi nhận 23 trường hợp có thai trong khi chạy thận nhân tạo.... Trong đó, 52% số trẻ được sinh ra và sống bình thường. “Người bình thường có thai khó một thì bệnh nhân suy thận mãn tính, phải lọc máu chu kỳ để giữ thai có độ rủi ro gấp trăm lần” - bác sĩ Dũng nói.
Theo giới chuyên môn, trước đây, bệnh nhân bị thận mạn tính (bệnh cầu thận, suy thận mạn, ghép thận...) thường được khuyên không nên có thai do những hậu quả không tốt đối với sức khỏe người mẹ cũng như ảnh hưởng của các loại thuốc đang dùng đối với thai nhi.
Năm trường hợp sinh con khỏe mạnh
TS-BS Nguyễn Thế Cường, Phó Trưởng Khoa Thận - Lọc máu BV Việt Đức, cho biết tại BV Việt Đức (Hà Nội) từ năm 2013 đến nay, có 5 trường hợp sản phụ là người được ghép thận đã sinh con khỏe mạnh. Bệnh nhân đầu tiên là Vũ Thị Minh H. (SN 1981, ngụ Hà Nội), bị suy thận do lupus ban đỏ hệ thống. Trước khi ghép thận, bệnh nhân không thể có con do thường bị sẩy thai. Bệnh nhân H. được ghép thận thành công tại BV Việt Đức và đầu tháng 7-2014, chị đã sinh một bé gái nặng 3,4 kg. Tại thời điểm chị H. có ý định mang bầu, các bác sĩ đã quyết định điều chỉnh thuốc chống thải ghép và các thuốc điều trị khác để an toàn cho mẹ trước thời gian mang thai, cũng như tránh tác dụng không mong muốn ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi của một số loại thuốc ức chế miễn dịch. Hiện bé gái con chị H. được hơn 1 tuổi và phát triển bình thường. Sức khỏe của người mẹ cũng ổn định sau khi sinh con.
Đầu năm 2015, bệnh nhân Vũ Thị Kim T. (SN 1982, ngụ Hà Nội), người được ghép thận năm 2012, cũng đã sinh bé trai nặng 3,1 kg ở tuần thứ 37.
Chỉ định chặt chẽ
So với bệnh nhân phải lọc máu chu kỳ, chỉ định cho bệnh nhân sau ghép thận có thai “thoáng” hơn. Tuy nhiên, việc có thai sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi do chức năng thận ghép phải làm việc nhiều. Thai phụ phải được các bác sĩ chuyên khoa thận, sản khoa, tim mạch… theo dõi cẩn thận để hạn chế những biến chứng có thể xảy ra. “Với bệnh nhân ghép thận, thời gian có thai tối thiểu sau khoảng 2 năm ghép thận. Trước khi có ý định mang thai, bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ biết để có thể thay đổi hoặc điều chỉnh thuốc chống thải ghép cho phù hợp” - BS Cường lưu ý.
BS Nguyễn Mạnh Tưởng, Khoa Thận - Lọc máu BV Việt Đức, khuyến cáo ngoài điều kiện về thời gian sau ghép, tại thời điểm có ý định mang thai, bệnh nhân phải có chức năng thận tốt, không có hiện tượng thải ghép trong vòng 1 năm, các chỉ số sinh học trong giới hạn bình thường... “Thai nghén thường không làm tăng tình trạng suy thận trong những tháng đầu nhưng có thể gây tăng nguy cơ thải ghép, đồng thời tăng các nguy cơ làm yếu thận” - BS Tưởng nói.
Theo BS Cường, trong số 5 bệnh nhân sau ghép thận, hầu hết sức khỏe của bà mẹ và thai nhi diễn biến khá thuận lợi. Tuy vậy, cũng có những trường hợp do quá trình thai nghén, sinh nở đã khiến chức năng thận ghép bị ảnh hưởng, có sản phụ sau khi sinh thì thận suy phải tiếp tục chạy thận nhân tạo.
BS Nguyễn Thế Cường cho biết đối với nam giới ghép thận, các yêu cầu trước khi muốn có con không khắt khe như nữ giới song ông khuyến cáo họ nên chờ đợi khoảng 1 năm với lý do để chức năng thận hoàn toàn ổn định, cơ chế sinh lý cơ thể bình thường…
Bình luận (0)