Từ chối điều trị bệnh, nhiều bà mẹ đã phải chịu đựng nỗi đau về thể xác, gồng mình chống chọi với căn bệnh ung thư để giữ lại “giọt máu, núm ruột” của mình.
Nhường sự sống cho con
Câu chuyện về sản phụ Đậu Thị Huyền Tr., 25 tuổi ở Hà Tĩnh, dù mang trong mình căn bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối, di căn vào gan đã “vượt cạn” thành công tại Bệnh viện (BV) K trung ương đã khiến không ít người xót xa.
Phát hiện ung thư khi mang thai ở tuần thứ 11 nhưng chị Tr. đã từ chối mọi phương pháp điều trị để bảo vệ thai, chỉ dùng kháng sinh chống nhiễm trùng. Con trai chị chào đời ở tuần thai thứ 29, nặng 1,2 kg. Đến thời điểm này, sau 3 tuần được chăm sóc tại Trung tâm Chăm sóc và Điều trị trẻ sơ sinh - BV Phụ sản trung ương, sức khỏe cậu bé tiến triển tốt. Riêng chị Tr., sau 17 ngày được làm mẹ và chiến đấu với căn bệnh ung thư giai đoạn cuối đã ra đi vĩnh viễn.
Cũng sinh con khi phát hiện mình mang căn bệnh ung thư máu quái ác, chị Nguyễn T. L., 30 tuổi ở Thái Bình, quyết giữ lại “giọt máu” của mình. Điều trị tại Viện Huyết học và Truyền máu trung ương, có dấu hiệu hôn mê sâu và xuất huyết não, chị L. đã được các bác sĩ BV Phụ sản trung ương phối hợp thực hiện ca mổ cấp cứu ngay tại giường bệnh. Bé gái con chị L. chào đời khỏe mạnh với cân nặng gần 2 kg.
Câu chuyện về sản phụ Trần Thị Ng., 32 tuổi ở TP HCM, đã khiến không ít người rơi nước mắt khi chị quyết nhường sự sống cho đứa con đầu đời sau 5 năm ròng rã chạy chữa hiếm muộn. Phát hiện chị bị ung thư giai đoạn cuối vào tháng thứ 5 của thai kỳ, các bác sĩ khuyên nên đình chỉ thai nghén để có thể điều trị tốt nhất nhưng chị từ chối và muốn giữ lại tính mạng của đứa trẻ. Một tuần sau ca mổ bắt con, người mẹ đã ra đi mãi mãi để nhường lại sự sống cho con trai.
Theo PGS-TS Trần Văn Thuấn, Phó Giám đốc BV K trung ương, trong thực tế điều trị, các bác sĩ đã phát hiện khá nhiều trường hợp bị ung thư trong khi đang mang thai. Các bệnh ung thư thường gặp nhất trong thai kỳ là ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư hạch, ung thư tuyến giáp... Tùy theo tình trạng của người mẹ, các bác sĩ sẽ tư vấn và thực hiện liệu trình điều trị phù hợp.
Thường phát hiện ung thư muộn
PGS Thuấn cho rằng những người mang thai mắc ung thư thường khó phát hiện ở giai đoạn đầu bởi những dấu hiệu của bệnh thường giống với những thay đổi của sản phụ trong thời kỳ đầu mang thai. Việc phát hiện ung thư trong quá trình mang thai có thể do trước đó, bệnh nhân đã ủ bệnh mà không biết. Thậm chí những dấu hiệu của ung thư cũng dễ bị hiểu nhầm là những biểu hiện của thai nghén nên thường bị bỏ qua và bệnh nhân chỉ được phát hiện bệnh ung thư khi có các biểu hiện rầm rộ. Lúc ấy, bệnh đã ở giai đoạn muộn. Chẳng hạn, bệnh ung thư vú có nhiều đặc điểm giống với thời kỳ đầu khi mang thai như: tuyến vú dày hơn, tăng kích cỡ vú nên việc thăm khám thường khó khăn hơn so với phụ nữ bình thường và cũng dễ nhầm lẫn hơn. Hay người bệnh ung thư đại trực tràng, u nang buồng trứng thường có cảm giác đầy bụng, ợ hơi, chảy máu trực tràng. Ngoài ra, việc khám và chẩn đoán ung thư đối với phụ nữ đang mang thai cũng gặp nhiều khó khăn khi không thể tiến hành chụp X-quang vì thai nhi có nguy cơ bị nhiễm phóng xạ dẫn đến dị tật. Thậm chí, phương án xạ trị, điều trị hóa chất cũng bị trì hoãn để tránh những tác động đối với đứa trẻ.
Trước nỗi lo điều trị ung thư sẽ ảnh hưởng đến thai nhi, PGS Thuấn cho biết nếu phát hiện ung thư sớm, các bác sĩ sẽ đưa ra được các liệu pháp điều trị ít ảnh hưởng đến thai nhi nhất. Điều này tùy thuộc vào loại khối u, kích cỡ khối u, tuổi của thai nhi, giai đoạn ung thư, tình trạng di căn và sức khỏe chung của bệnh nhân. “Chị em bị ung thư vẫn có khả năng sinh con khỏe mạnh và người mẹ phải tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị của bác sĩ. Riêng những đứa bé cần được theo dõi, khám sức khỏe định kỳ” - PGS Thuấn nhấn mạnh.
Bác sĩ Nguyễn Quốc Bảo, Trưởng Khoa Ngoại đầu cổ BV K trung ương, cho biết với những bệnh nhân ung thư thể nhẹ như ung thư giáp trạng, nếu phát hiện sớm, bác sĩ có thể khuyên người mẹ sinh con xong mới điều trị. Thế nhưng, với những trường hợp ung thư phức tạp như ung thư khoang miệng, vòm họng…, thầy thuốc sẽ phải cân nhắc rất kỹ trong việc kết hợp điều trị cho mẹ và con. “Có những bệnh ung thư, thầy thuốc sẽ chờ đợi đứa trẻ ra đời rồi mới can thiệp song có những trường hợp việc điều trị phải thực hiện ngay sau khi phát hiện bệnh bằng phác đồ riêng, phụ thuộc vào thể trạng thai phụ. Trường hợp ung thư được chẩn đoán trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ, căn cứ vào mức độ cấp thiết phải điều trị bằng hóa trị và xạ trị, thầy thuốc có thể sẽ phải khuyên người bệnh nên bỏ thai” - bác sĩ Bảo giải thích.
Sau điều trị, có thể mang thai bình thường
Giới chuyên môn cho biết phụ nữ sau điều trị ung thư vẫn có thể sinh con khỏe mạnh. Tuy nhiên, trước khi có thai, phụ nữ sau điều trị ung thư vú, ung thư tuyến giáp… nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn. Thông thường, cơ thể cần ít nhất từ 12-24 tháng cho việc loại bỏ hóa chất điều trị ung thư, do đó, sau 5 năm khỏi ung thư, sức khỏe người mẹ đã ổn định, thuốc điều trị ung thư hết tác dụng, không ảnh hưởng đến thai nhi nữa thì người mẹ có thể mang thai bình thường.
Bình luận (0)