Ngủ kém và rối loạn giấc ngủ ở trẻ em thường kết hợp với béo phì, các triệu chứng trầm cảm, rối loạn tăng động giảm chú ý và chức năng hành vi thần kinh yếu.
Kết quả nghiên cứu cho thấy trẻ nào trong thai kỳ có tiếp xúc với rượu bia thì tăng nguy cơ gấp 2,5 lần có thời gian giấc ngủ ngắn hơn 7,7 giờ; tăng nguy cơ gấp 3,6 lần có hiệu suất giấc ngủ thấp dưới 77,2% trong tất cả các đêm. Kết quả này độc lập với kích thước cơ thể lúc sinh và tình trạng uống rượu bia của người mẹ hiện nay.
Kích thước cơ thể bé nhỏ hơn lúc sinh cũng kèm theo hiện tượng ngủ kém và nguy cơ bị các rối loạn giấc ngủ quan trọng sẽ cao hơn ngay cả đối với các trẻ sinh đủ tháng.
Đặc biệt hơn hiện tượng trọng lượng cơ thể thấp hơn và chiều dài cơ thể ngắn hơn lúc sinh cũng liên quan đến tình trạng hiệu suất giấc ngủ kém hơn, còn chỉ số cân nặng thấp hơn (chỉ số tình trạng phát triển của thai) thì liên quan đến sự xuất hiện các rối loạn giấc ngủ.
Ngoài ra, người ta cũng nhận thấy những trẻ có thời gian ngủ ngắn thường bị sinh mổ nhiều hơn là trẻ có thời gian ngủ dài hơn (23,1% so với 8,4%, theo thứ tự).
Theo nhà nghiên cứu chính, tiến sĩ Katri Rikkônen, Khoa Tâm lý Trường Đại học Helsinki (Phần Lan), ngay cả trường hợp tiếp xúc với rượu bia ở mức độ thấp trong mỗi tuần giai đoạn thai kỳ cũng gây tác động xấu đối với số lượng và chất lượng giấc ngủ ở trẻ em sau này.
Ông nói thêm là kết quả nghiên cứu này phù hợp với giả thiết bệnh tật và tình trạng sức khỏe có nguồn gốc từ thời gian thai kỳ và nhiều nghiên cứu đã cho thấy môi trường thai kỳ xấu có thể dẫn đến những hậu quả xấu suốt đời về mặt sức khỏe và hành vi.
Tuy nhiên, nghiên cứu này là một trong số ít các nghiên cứu ghi nhận mối liên hệ giữa các thông số lúc sinh với tình trạng số lượng và chất lượng giấc ngủ ở nhóm trẻ bình thường.
Kết quả nghiên cứu cho thấy trọng lượng cơ thể của bé lúc sinh càng thấp và chiều dài cơ thể của bé lúc sinh càng ngắn thì hiệu suất giấc ngủ càng giảm. Chỉ số cân nặng lúc sinh (chỉ số tình trạng phát triển của thai) càng giảm thì nguy cơ bị rối loạn giấc ngủ càng tăng.
Các nhà nghiên cứu đã loại trừ các yếu tố có thể làm sai lạc kết quả, thí dụ như giới tính, độ dài thai kỳ, biến chứng trong thai kỳ và lúc sinh, chỉ số khối lượng cơ thể (BMI) lúc trẻ 8 tuổi, hen phế quản, tình trạng dị ứng hay hoàn cảnh kinh tế - xã hội của cha mẹ.
Các tác giả ghi nhận rằng kích thước cơ thể nhỏ lúc sinh có thể là một chỉ điểm thô về tình trạng rối loạn môi trường của thai nhi và có liên quan đến việc sinh non, tình trạng chậm phát triển của thai trong tử cung, tiếp xúc với rượu bia trong thai kỳ và chất lượng giấc ngủ kém ở trẻ em và người trưởng thành.
Nghiên cứu này cho thấy trong số những trẻ em được sinh ra khỏe mạnh và đủ tháng, có mối liên hệ tỉ lệ thuận giữa tình trạng kích thước cơ thể nhỏ lúc sinh với giấc ngủ chất lượng kém khi trẻ lên 8 tuổi.
Bình luận (0)