Bệnh viện K (Hà Nội) ngày 7-9 cho biết các bác sĩ này và Bệnh viện Phụ sản Trung ương vừa mổ bắt con cho bệnh nhân Phan Thị Thu T. (28 tuổi, quê Phú Thọ) mang thai 31 tuần với chẩn đoán u lympho không hodgkin giai đoạn muộn (giai đoạn 4A).
Bệnh nhân mang thai lần ba, hai lần đầu sinh thường. Thời gian đầu thai kỳ, chị không phát hiện bất thường, khi thai ở tuần 25-26, thai phụ có tình trạng đau bụng âm ỉ vùng hạ vị kèm ra máu âm đạo.
Mổ bắt con cho sản phụ ung thư hạch - Ảnh: Thái Hà
Bác sĩ Bệnh viện K chẩn đoán bệnh nhân mắc u lympho không hodgkin tại cổ tử cung. Bỏ qua lo lắng về tính mạng của mình, người mẹ bày tỏ với bác sĩ "muốn giữ con". Trước quyết định của người mẹ trẻ, bác sĩ Bệnh viện K trao đổi cùng đồng nghiệp ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương để theo dõi sát sự phát triển của khối u với mong muốn kéo dài tối đa tuần tuổi thai kỳ cho bệnh nhân.
Những ngày đầu tháng 9, thai phụ ra máu âm đạo nhiều hơn. Bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Trung ương nhận định máu âm đạo chảy từ khối u, chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện K để phẫu thuật. Đêm 6-9, các chuyên gia của hai bệnh viện hội chẩn đánh giá khối u to sùi loét chiếm toàn bộ cổ tử cung, chảy máu nhiều.
Cùng đó, bệnh nhân có hiện tượng chuyển dạ, xuất hiện cơn co tử cung nên các bác sĩ hai bệnh viện đã đưa ra phương án mổ bắt con cho sản phụ và cắt toàn bộ tử cung để cầm máu cho bệnh nhân ngay trong đêm.
Bé trai nặng 1,6 kg chào đời, được chuyển về Khoa Sơ sinh Bệnh viện Phụ sản Trung ương chăm sóc trong khi kíp mổ xử lý tiếp các vấn đề còn lại của người mẹ.
Khối u cổ tử cung kích thước 6x10 cm được loại bỏ khỏi cơ thể sản phụ
Tiến sĩ-bác sĩ Phạm Thị Diệu Hà, Phó trưởng Khoa Ngoại phụ khoa, Bệnh viện K, cho biết thai phụ cùng lúc phải tiến hành hai cuộc mổ nên nguy cơ chảy máu trong khi phẫu thuật là rất lớn. Khối u trong cổ tử cung kích thước quá lớn và ống cổ tử cung cũng rất to đã xóa hết ranh giới giải phẫu. Cùng đó, thân tử cung do sản phụ mổ đẻ chưa co hồi nên càng làm mất các mốc giải phẫu, gây nhiều khó khăn cho quá trình mổ.
May mắn sau cuộc mổ, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, tiếp tục được theo dõi và điều trị.
U lympho không hodgkin còn gọi là bệnh ung thư hạch là một loại của ung thư hệ bạch huyết. Đây là một bệnh máu ác tính có khả năng điều trị hiệu quả, tỉ lệ lui bệnh và kéo dài thời gian sống cao nếu người bệnh tuân thủ điều trị. Phương pháp điều trị kết hợp đa phương thức, chủ yếu là điều trị toàn thân như hóa trị kết hợp điều trị đích, ghép tế bào gốc, điều trị tại vùng như xạ trị, phẫu thuật...
Bình luận (0)