Bệnh nhân là bé trai T.T.P., 5 tuổi (ngụ tại Đồng Nai) nhập viện ngày 13-4 tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) vì có tình trạng ho, khò khè, khó thở kéo dài hơn 2 tháng nay, đã đi nhiều nơi, điều trị bằng thuốc nhưng không thuyên giảm. Tuy bé không có "hội chứng xâm nhập", tức các dấu hiệu của trẻ nuốt phải dị vật, nhưng các bác sĩ vẫn nghi rằng trong cơ thể bé có thể chứa dị vật "bỏ quên".
Bác sĩ Đào Trung Hiếu kiểm tra sức khỏe bệnh nhi
Kết quả X-quang và nội soi đã xác định phế quản bên phải có mô viêm, bên dưới mô viêm là một dị vật nhỏ, cứng, dùng kềm không gắp ra được.
Dị vật là chiếc móc dây kéo
Theo thạc sĩ - bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), đây là một dị vật đã nằm lâu, khi rút ra cảm thấy nó bị mắc kẹt, nên các bác sĩ đã nghi ngờ dị vật nằm ở một vị trí nhạy cảm.
Các bác sĩ nhận định do dị vật nằm đã lâu gây viêm, dính chặt vào mô của đường thở, thậm chí ăn thủng. Hiện tại dị vật đang nằm bít lỗ thủng, nhưng nếu cố gắp ra có thể gây vỡ mạch máu, tràn khí, nguy hiểm đến tính mạng.
Các bác sĩ kể lại ca bệnh
Vì vậy các bác sĩ đã quyết định hội chẩn toàn viện và chọn phương án mổ hở, mở lồng ngực em bé ra để xác định và theo dõi dị vật trong khi bác sĩ tai mũi họng nội soi gắp dị vật ra theo đường thở.
Rất may đường tiếp cận này đã thành công. Cháu bé phục hồi nhanh chóng. Đến sáng 23-4 bé đã được tháo băng, sức khỏe tốt, ăn uống, chạy chơi bình thường và sắp được xuất viện.
Bác sĩ Đào Trung Hiếu phân tích lý do phải mở ngực cháu bé
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Tuấn Như, trưởng khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Nhi Đồng 1 khuyến cáo phụ huynh nên cẩn thận khi con trẻ cầm chơi những vật có nhiều chi tiết nhỏ, vì trẻ rất hay cho vào miệng ngậm và rơi luôn vào đường thở.
Nếu nghi ngờ bé nuốt, hít phải vật gì, hay bị ho, khò khè, khó thở thời gian dài mà không rõ nguyên nhân, nên đưa bé đi kiểm tra.
Bình luận (0)