Trong mắt chúng ta, thể thủy tinh (TTT) là một cấu trúc trong suốt, hình hạt đậu với một bao khá chắc ở ngoài, bên trong là các sợi TTT kết lại từng lớp và luôn tăng trưởng, nằm ngay sau đồng tử (con ngươi) và được “neo” ở đó nhờ một hệ thống dây treo vào thể mi. Cùng với giác mạc phía trước, TTT giúp hội tụ ánh sáng cho một ảnh rõ nét trên võng mạc trung tâm, công suất hội tụ của TTT khoảng +19 D. Ngoài ra, nó còn tham gia trong sự điều tiết của mắt, giúp ta nhìn rõ các vật từ xa tới gần.
Phẫu thuật vẫn là phương pháp duy nhất
Khi bị đục, TTT mất trong suốt, có màu trắng, nâu hay đen, thay vì mềm dẻo thì TTT trở nên cứng chắc, dai và đôi khi rất cứng. Thị lực của bệnh nhân giảm đi nhiều hay ít tùy mức độ và vị trí của đám đục. Đục TTT là một tiến trình diễn ra có thể trong nhiều tháng hay nhiều năm tùy vào nguyên nhân.
Hiện chưa có thuốc hiệu nghiệm để chữa đục TTT nên phẫu thuật vẫn là phương pháp duy nhất. Có nhiều phương pháp phẫu thuật để chọn lựa nhưng phải phụ thuộc vào tình trạng đục TTT, tình trạng bệnh nhân, kỹ năng của phẫu thuật viên, trang thiết bị và năng lực của phòng mổ.
Khám tầm soát để điều trị các bệnh về mắt. Ảnh: Ngọc Dung
Ngày nay, phẫu thuật theo phương pháp nhuyễn hóa TTT - gọi tắt là mổ Phaco (Phacoemulsification) - là lựa chọn hàng đầu ở nhiều nước cũng như ở Việt Nam. Sự ra đời của máy Phaco từ thập niên 70 thế kỷ trước cùng việc sử dụng chất nhầy nội nhãn, hiển vi mổ đồng trục, kính nội nhãn mềm cuộn lại được đã tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành nhãn khoa thế giới, mang lại những thành công rất ngoạn mục.
Máy Phaco tạo sóng siêu âm, có tần số 37.000 - 40.000 dao động/giây, năng lượng siêu âm được chuyển đến một thiết bị để mổ gọi là handpiece. Tại đây, nó được khuếch đại và làm rung một cây kim nhỏ rỗng. Đầu kim này sẽ chọc vào chất TTT với tần số của sóng siêu âm, làm nát (nhuyễn) chất TTT và hút ra ngoài theo hệ thống rửa/hút của máy. Trước khi nhuyễn hóa chất TTT, phẫu thuật viên xé đi một vùng bao trước hình tròn đường kính 5-6 mm. Sau khi chất TTT đã được loại bỏ hoàn toàn, cái bao còn lại sẽ được đưa vào một kính nội nhãn với công suất đã định sẵn cho từng người bệnh.
Hiện nay, mổ Phaco là lựa chọn hàng đầu cho các đục TTT bởi vì đường mổ nhỏ, chỉ 2,8 - 3,2 mm; không cần khâu, tự lành và gần như không gây loạn thị do phẫu thuật; vết mổ lành nhanh, phục hồi thị lực sớm và tốt, chăm sóc hậu phẫu dễ dàng, bệnh nhân sớm trở lại công việc bình thường. Tuy vẫn có các biến chứng thường thấy trong các phương pháp phẫu thuật khác (nhiễm trùng, viêm, tăng nhãn áp, rách bao và lệch kính nhân tạo, hở vết mổ) nhưng tỉ lệ này rất ít.
Nên dùng kính râm khi đi nắng
Người ta mổ đục TTT khi lao động, học tập, sinh hoạt bị ảnh hưởng một cách rõ nét. Tuy nhiên, không nên chờ đợi quá lâu đến lúc TTT hoàn toàn trắng mới mổ, vì lúc đó cuộc mổ sẽ khó khăn hơn. Những trường hợp phải mổ ngay là những đục TTT có tiềm năng gây biến chứng hay đã gây biến chứng rồi.
TTT ngoài chức năng hội tụ ánh sáng, điều tiết, còn đóng vai trò như một tấm lọc tia cực tím và hồng ngoại, là những tia lâu dài có hại cho võng mạc cảm giác ở trung tâm. Khả năng lọc tia tím có ở kính nội nhãn nhưng không được như TTT của người, vì vậy ta nên dùng kính râm đeo mắt khi đi nắng. Sau khi mổ phải giữ vệ sinh và bảo vệ mắt để tránh những biến chứng nguy hiểm, nhất là nhiễm trùng và sang chấn.
Bệnh viện STO Phương Đông sẽ khám và phẫu thuật Phaco miễn phí cho 30 bệnh nhân. Thời gian từ ngày 1 đến 7-8, tại số 79 Thành Thái, phường 14, quận 10-TPHCM. Liên hệ đăng ký qua điện thoại: (08) 38686386 – 0932123357 (bác sĩ Lê Như Tráng); email: info@sto.vn. |
Bình luận (0)