Đây là kỹ thuật mới, giúp bệnh nhân tránh được cuộc đại phẫu như truyền thống, với thời gian hồi phục nhanh hơn nhiều và nhiều lợi ích khác như giảm đau, không phải truyền máu, bảo đảm thẩm mỹ ở vết mổ…
Không mở lồng ngực
Bệnh nhân Đoàn Ngọc Thống (38 tuổi, ở Thanh Hóa) dù làm nghề nông nhưng nhiều năm nay, anh không có khả năng làm những công việc hằng ngày bởi bệnh lý hẹp và hở van tim khiến anh thường xuyên khó thở, đau ngực… Các biện pháp điều trị nội khoa với anh Thống đều không còn đáp ứng được. Thời gian gần đây, sức khỏe suy sụp nhiều, đến nỗi chỉ đi bộ một quãng đường ngắn cũng khiến anh Thống không thở được. Thay van tim nhân tạo là giải pháp cuối cùng để cứu sống bệnh nhân. Nếu thay van tim bằng phương pháp mổ truyền thống, bệnh nhân sẽ lại mổ dọc xương ức với chiều dài từ 20 - 30 cm và thời gian hồi phục lâu. Vì thế, các bác sĩ đã quyết định tiến hành thay van tim cho bệnh nhân bằng kỹ thuật nội soi.
Bác sĩ Dương Đức Hùng, Trưởng Đơn vị Phẫu thuật tim mạch Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) - người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật này - cho biết đây là một kỹ thuật khó và đòi hỏi phải có những dụng cụ phẫu thuật chuyên biệt. Chỉ với 2 lỗ đưa dụng cụ nội soi (5 mm) và mở 3 cm bên ngực phải để đưa van tim nhân tạo vào cơ thể. Bệnh nhân bị mất máu không đáng kể nên không phải truyền máu. Đặc biệt, với những ca phẫu thuật như thế này, bệnh nhân cũng ít có cảm giác đau đớn và hồi phục nhanh hơn nhiều” - bác sĩ Hùng chia sẻ.
Ca phẫu thuật nội soi thay van tim cho bệnh nhân Thống được thực hiện hôm 23-3, kéo dài 3 giờ, nhiều hơn ca mổ bình thường 2 giờ nhưng hiệu quả lại thấy ngay sau mổ. Bệnh nhân tỉnh ngay sau đó và chỉ sau 6 giờ đã được rút ống thở, 1 ngày sau được rút ống dẫn lưu và 4 ngày đã có thể xuất viện. Trong khi với các ca mổ mở, bệnh nhân rất đau trong ngày thứ 3-4 sau mổ. Để giảm đau cho bệnh nhân mổ banh ngực, bác sĩ phải dùng những loại thuốc giảm đau cực mạnh và thường chỉ được xuất viện sau 10 ngày phẫu thuật.
Giảm nhiều biến chứng
Theo GS-TS Nguyễn Lân Việt, Viện trưởng Viện Tim mạch (Bệnh viện Bạch Mai), với lợi thế ít xâm lấn, phẫu thuật nội soi tại Việt Nam được ứng dụng khá phổ biến trong phẫu thuật các bệnh lý về tiêu hóa, tiết niệu. Tuy nhiên, đây là kỹ thuật lần đầu tiên được triển khai trong phẫu thuật tim. “Theo tìm hiểu của chúng tôi, chưa có quốc gia nào ở Đông Nam Á thực hiện kỹ thuật này” - GS Việt chia sẻ.
Giới chuyên môn cho biết hẹp van chủ yếu do hậu quả của thấp tim gây nên. Theo bác sĩ Hùng, mỗi năm Đơn vị Phẫu thuật tim mạch phẫu thuật khoảng 1.000 ca thay, sửa van tim, trong đó hơn 50% là bệnh lý van tim hậu thấp. Hở van tim nói chung, ở thời kỳ bệnh còn nhẹ, người bệnh không khó thở hoặc chỉ khó thở nhẹ khi làm việc gắng sức nên đến cơ sở chuyên khoa để khám, để bác sĩ tư vấn một chế độ sinh hoạt, điều trị phù hợp. Nếu để muộn sẽ dẫn đến biến chứng suy tim nặng không hồi phục, điều trị nội khoa cũng không giải quyết được. Tuy nhiên hiện nay, bệnh van tim hoàn toàn có thể chữa khỏi và phẫu thuật chữa hở van tim hoặc thay bằng van nhân tạo để giải quyết những trường hợp nặng.n
Nhiều bệnh nhân đăng ký mổ nội soi Theo GS-TS Nguyễn Lân Việt, sau thành công của trường hợp này, Đơn vị Phẫu thuật tim mạch sẽ tiếp tục ứng dụng phẫu thuật nội soi trong điều trị các bệnh lý van tim khác, như thay hoặc sửa van tim 2 lá, lấy khối u nhầy trong tim, vá lỗ thông liên nhĩ… Hiện đã có một số bệnh nhân đăng ký mổ nội soi điều trị các bệnh lý này. |
Bình luận (0)