Bên cạnh tia tử ngoại từ ánh nắng gay gắt bên ngoài trong khi phòng học, phòng làm việc thiếu ánh sáng thiên nhiên; bên cạnh chuyện thần kinh thị giác lãnh đòn liên tục từ “ánh sáng xanh” do gia chủ quá mải mê trước máy truyền hình, máy vi tính, smartphone..., số nạn nhân của cườm nước, cườm khô đã, đang và chắc chắn sẽ tiếp tục tăng nhanh vì chế độ dinh dưỡng chẳng khác nào kẻ thù của cặp mắt vừa mỏi vừa mòn.
Nhiều người không ngờ thủy tinh thể mau vẩn đục thay vì trong suốt như pha lê hàng hiệu, võng mạc mau thoái hóa thay vì bền chặt để tiếp nhận kích ứng hình ảnh trung thực. Đó là vì:
- Quá nhiều đạm gốc động vật trong khẩu phần. Tuy thủy tinh thể có cấu trúc là chất đạm nhưng nguồn cung ứng chất đạm nếu quá nhiều lại là đòn bẩy để nhân cườm mau phát triển, nhất là ở đối tượng thiếu các sinh tố cần thiết cho tiến trình biến dưỡng chất đạm như B2, B3, B7... Cứ xem tỉ lệ giữa bánh và thịt trong tô phở hiện nay thì hiểu ngay vì sao ngày xưa ít người gắn cườm vào mắt. Tình trạng trước cườm nước sau cườm khô càng xảy ra nhanh hơn với đối tượng đã tăng axít uric trong máu, như ở người mạnh miệng với rượu bia, người có bệnh mạn tính trên đường tiết niệu, bệnh nhân đái tháo đường…
- Lạm dụng cà phê và các loại thức uống “đồng môn” như ca cao, trà, nước ngọt có gaz… vì tất cả đều tăng áp lực nội nhãn. Kẹt là “ẩm khách” mấy người chịu uống các loại này chỉ một hai lần trong ngày. Hậu quả là nhãn áp chưa giảm lại tăng. Nhãn áp lại bắt chước giá điện nước, hễ tăng được thì tăng tiếp, tăng cho đến khi cườm nước thành hình để gia chủ từ đó đồng hành với đau đầu, chóng mặt, hồi hộp, vã mồ hôi… Tệ hơn nữa, với người đang được điều trị tăng nhãn áp, nếu không kiêng cữ tối đa các món này thì tiền mất tật mang là cái chắc!
- Uống sữa tươi nhiều hơn trẻ sơ sinh mà không ngờ là lượng đường galactose trong sữa thúc đẩy tiến trình hóa cườm.
Thêm một điều chắc chắn nữa, có uống bao nhiêu thuốc bổ mắt theo quảng cáo ngọt hơn đường phèn cũng bằng không nếu trong cơ thể thừa chất ôxy hóa, chất làm đục thủy tinh thể, chất làm tróc võng mạc. Tránh được các chất giúp cườm mau thành hình là đúng nhưng khéo hơn nhiều nếu biết cách cài chất kháng ôxy hóa trong rau quả, trong dược thảo vào chế độ dinh dưỡng hằng ngày. Trái việt quất, cà chua, gạo mầm nguyên cám, lá bạch quả… đâu có thiếu! Ai hiểu điều này, người đó chắc chắn lâu gặp thầy thuốc xin hẹn mổ cườm.
Bình luận (0)