xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Một số bệnh thường gặp khi mùa mưa đến

Thùy Dương

PHÒNG BỆNH: Nếu không biết cách phòng ngừa, điều trị đúng lúc, bệnh có thể phát triển thành dịch, dễ dẫn đến tử vong. Bác sĩ Nguyễn Phương Hòa Bình, Trưởng Khoa Hô hấp BV Nhi Đồng 2: Khi nhiễm khuẩn hô hấp, người bệnh phải được cách ly với môi trường xung quanh; các bà mẹ khi thấy trẻ thở mệt, nhanh, khó nên đưa trẻ đến bệnh viện ngay để được điều trị kịp thời

Độ ẩm cao trong mùa mưa rất thích hợp cho siêu vi phát triển, đó là lý do khiến cho số người mắc bệnh nhiễm khuẩn hô hấp tăng cao.

Bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp do siêu vi

Đây là bệnh lây truyền qua đường hô hấp, nếu không đề phòng tốt sẽ dễ trở thành dịch bệnh. Bác sĩ Nguyễn Phương Hòa Bình, Trưởng Khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM, cho biết như vậy. Bệnh này có biểu hiện: ho, sổ mũi, sốt... Bệnh nặng hơn sẽ thấy thở nhanh, khó thở, thở co lõm lồng ngực... Khi mới mắc, nếu được điều trị đúng, bệnh dễ chữa, nhanh khỏi. Cũng vì nghĩ bệnh nhẹ nên bệnh nhân, hoặc người nhà bệnh nhân thường tự ý mua thuốc kháng sinh, thuốc ho uống, nhưng thuốc kháng sinh không trị bệnh này nên bệnh không những không khỏi mà còn dẫn tới tình trạng lờn thuốc. Có một số loại thuốc để cầm ho, ức chế cơn ho, ngưng đàm, uống vào sẽ làm dịu cơn ho tức thì nhưng đàm không thoát ra được dẫn tới nhiễm trùng nặng hơn, bệnh ngày càng nặng thêm. Nếu điều trị không đúng, bệnh nặng sẽ gây những biến chứng như: viêm phổi nặng, tử vong...

Bệnh viêm mũi xoang dị ứng

Bác sĩ Lê Huỳnh Mai, Trung tâm Tai Mũi Họng TPHCM, cho biết: Khi thời tiết thay đổi từ mùa nóng chuyển sang lạnh, từ nắng chuyển sang ẩm dễ khiến nhiều người mắc bệnh viêm mũi xoang dị ứng. Triệu chứng khởi đầu của bệnh là hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, nặng hơn là đau họng, ho có đàm... Khi có những triệu chứng như vậy hầu hết bệnh nhân thường nghĩ mình bị cảm và tự mua thuốc về uống. Do tự ý, nên uống không đúng liều, bệnh có bớt đi nhưng không khỏi hẳn. Chỉ đến khi bệnh ngày càng nặng hơn họ mới chịu đến bệnh viện. Hơn nữa, cùng là bệnh viêm mũi xoang dị ứng nhưng tùy từng mức độ nặng nhẹ khác nhau của bệnh sẽ có cách điều trị và hướng dẫn khác nhau. Ví dụ như khi người bệnh mới bị viêm mũi dị ứng thường có những triệu chứng như hắt hơi, chảy nước mũi... Lúc đó nếu được sự chỉ dẫn đúng, bệnh nhân chỉ cần uống một số loại thuốc đơn giản và tránh những nguyên nhân dẫn tới bệnh như: gió, bụi, lạnh. Cụ thể là bệnh nhân phải luôn giữ ấm mũi và chân, tối không nằm máy lạnh, tránh để quạt thốc thẳng vào mũi, mang khẩu trang khi đi đường để tránh bụi... Còn khi mắc bệnh ở độ nặng như viêm xoang, tái phát lâu ngày sẽ bị polype mũi (dân gian thường gọi là thịt dư ở mũi). Khi đó bệnh nhân sẽ thường xuyên bị nghẹt mũi, ho đàm, nhức đầu, có thể gây ảnh hưởng tới mắt. Việc điều trị bằng thuốc lúc này không còn hiệu quả mà phải phẫu thuật. Khi được phẫu thuật xong bệnh nhân phải chú ý tránh những nguyên nhân gây ra bệnh viêm mũi xoang dị ứng.

Biến chứng của bệnh viêm tai giữa mãn tính

Xảy ra rất nhiều vào mùa mưa, bệnh viêm tai giữa mãn tính có những triệu chứng như chảy mủ từng đợt hoặc thường xuyên. Nếu không điều trị sớm sẽ gây nhiều biến chứng nặng cho bệnh nhân như gây biến chứng hồi viêm (bệnh nặng lên), biến chứng viêm màng não, áp xe não, nguy hiểm hơn còn có thể gây biến chứng dây thần kinh (liệt dây VII) dẫn tới méo mặt... Khi bị một trong những biến chứng trên bệnh nhân buộc phải can thiệp phẫu thuật cấp cứu. Không những phải chịu đau đớn, chi phí tốn kém mà sau khi phẫu thuật bệnh nhân không thể phục hồi được chức năng nghe, liệt mặt, ảnh hưởng não. Phẫu thuật chỉ giải quyết những biến chứng do viêm tai gây ra và tránh những biến chứng nặng hơn. Vì vậy những người mắc bệnh này nên vệ sinh tai thường xuyên, khi tai bị chảy mủ phải đến bác sĩ khám liền để được điều trị, tránh những hậu quả đáng tiếc.

Bệnh sốt xuất huyết

Theo bác sĩ Lê Phi Hiền, Khoa Dịch tễ Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, thì mùa mưa đến, độ ẩm cao, nước mưa đọng lại ở những vũng, ao, cống rãnh nhiều là môi trường rất thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết (SXH) đẻ trứng, nguy cơ mắc bệnh cao. Bệnh SXH là một bệnh do vi rút truyền qua muỗi vằn đốt người vào ban ngày. Do vậy, muốn ngăn ngừa  bệnh SXH cần phải loại bỏ nơi muỗi đẻ (đậy kín đồ chứa nước, hủy bỏ các vật chứa nước quanh nhà như lọ vỡ, bình, ống bơ... để muỗi không có nơi đẻ trứng); phòng chống muỗi đốt như nằm màn, dùng hóa chất để xua muỗi, thả cá ăn bọ gậy... SXH là bệnh có thể gây chết người nhưng nếu chẩn đoán và điều trị sớm có thể cứu sống được bệnh nhân. Vì vậy, những người nghi ngờ bị SXH cần phải đến bác sĩ ngay để được điều trị kịp thời.

 Tiến sĩ Huỳnh Tấn Tiến - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM

Phòng bệnh truyền nhiễm lúc chuyển mùa

Hiện nay thời tiết đang có những diễn biến phức tạp, nhiệt độ cao, nóng đồng thời mưa cũng xảy ra nhiều nơi, không khí hóa ẩm làm cho vi sinh vật, côn trùng phát triển dễ gây những ổ dịch lớn. Các bệnh dịch lây truyền do ăn uống đang xảy ra nhiều nơi, các bệnh do ruồi muỗi truyền cũng xảy ra đe dọa sức khỏe cộng đồng.

Các bệnh lây truyền do ăn uống như: ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy, dịch tả, kiết lỵ, thương hàn... xảy ra quanh năm, cao điểm vào mùa khô. Bệnh có thể gây dịch nhất là đồng bằng sông Cửu Long, những nơi có nguồn nước ô nhiễm, vệ sinh môi trường kém, thiếu nước sinh hoạt, phân rác ứ đọng, tập quán uống nước lã, ăn sống...

Bên cạnh con đường lây truyền do ăn uống, các dịch bệnh do muỗi truyền cũng cần được quan tâm. Bệnh sốt xuất huyết do muỗi vằn lây truyền đã có những ổ dịch nhỏ và có khả năng lan rộng. Điều chúng ta cần quan tâm là bệnh nhân sốt xuất huyết nếu không được điều trị đúng, kịp thời thì có thể tử vong. Song song với bệnh sốt xuất huyết, thì bệnh sốt rét cũng rất đáng lo ngại, dịch sốt rét cũng xảy ra ở các khu vực rừng núi, ven biển do muỗi Anophèle lây truyền. TPHCM vẫn có sốt rét lưu hành ở Cần Giờ, Bình Chánh... Tuy nhiên số người bệnh cũng phát hiện ở khắp các quận, huyện do sự di dân, du lịch, hành hương... đến vùng sốt rét. Nếu gặp sốt rét ác tính bệnh nhân dễ bị nặng và tử vong.

Vấn đề phòng bệnh sốt rét cũng là vấn đề môi trường, phòng chống muỗi đốt bằng phát hoang, khai thông cống rãnh, tẩm mùng bằng hóa chất, phun thuốc diệt muỗi. Không nên tụ tập đông người vào chiều tối, ban đêm; người ở TP đi vào vùng sốt rét phải uống thuốc phòng bệnh theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Để phòng ngừa bệnh dịch lúc chuyển mùa, thời tiết thay đổi, chúng ta cần quan tâm đến các yếu tố môi trường đồng thời cũng phải quan tâm phát hiện và xử lý sớm dịch bệnh, điều trị kịp thời.

 Dịch tễ sốt xuất huyết

Bệnh SXH do muỗi truyền có mặt ở tất cả các vùng nhiệt đới trên thế giới.

Bệnh xảy ra ở 100 nước với khoảng 2.000 triệu người có nguy cơ mắc bệnh.

20% số người mắc bệnh SXH có thể chết nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Ở nước ta, bệnh SXH xảy ra ở hầu hết các tỉnh, thành phố, nhất là ở các tỉnh miền Nam và duyên hải miền Trung

.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo