Do đó, các nhà khoa học trên thế giới đã tìm kiếm những chất ngọt không năng lượng và không gây sâu răng, từ thiên nhiên hay tổng hợp để thay thế đường. Hàng loạt những chất ngọt tổng hợp ra đời và đã được sử dụng trên nhiều quốc gia như saccharin, cyclamat, acesulfam-K, aspartam, alitam và sucralose... Tuy nhiên, vào năm 1977, saccharin, cyclamat, acesulfam-K, alitam đã bị cấm sử dụng ở Hoa Kỳ vì đã phát hiện khối u và ung thư bàng quang ở chuột thử nghiệm. Một chất ngọt khác, aspartam, đã được sử dụng trên 75 quốc gia nhưng cũng bị chống chỉ định đối với những người mắc bệnh phenylketon niệu. Vì vậy, tìm kiếm những chất ngọt từ thảo mộc là một trong những hướng nghiên cứu mới hiện nay. Hơn 75 chất ngọt từ thực vật đã được tìm thấy. Nhiều chất ngọt từ tự nhiên đã được sử dụng ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là steviosid từ cây cỏ ngọt (Stevia rebaudiana).
Steviosid và dịch chiết từ cây cỏ ngọt được sử dụng với mục đích làm chất tạo vị ngọt (sweetener) và làm thuốc ở nhiều quốc gia trên thế giới như Paraguay, Brazil, Nhật Bản, Mỹ, Đức, Hàn Quốc, Nga... Hàng năm, Nhật Bản sử dụng khoảng 2.000 tấn lá khô để sản xuất steviosid và cao cỏ ngọt. Giá trị thương mại của các sản phẩm chất ngọt stevia ở Nhật Bản đã lên đến 2 - 3 tỉ yen/năm. Steviosid có vị ngọt giống với đường thường. Nó được xem là một chất ngọt không năng lượng, không gây sâu răng, không lên men và không bị vàng khi đun nóng.
Steviosid sau khi ăn uống vào, phần lớn đều bị phân hóa bởi vi khuẩn ở ruột (manh tràng) thành steviolbiosid, steviol và glucoz, theo mật vào ruột và thải ra ngoài theo phân. Nghiên cứu tại Brazil trên thú vật, đã công nhận các tính chất giảm đường huyết, hạ huyết áp, làm mạnh tim, điều hòa nhịp tim... Theo sách An toàn cây thuốc của Hiệp hội Dược thảo Hoa Kỳ, cây cỏ ngọt được xếp vào nhóm 1, có nghĩa là an toàn nếu dùng một cách đúng đắn.
Về chất ngọt tổng hợp có mặt trên thị trường nước ta hiện nay gồm có: Aspartab, Equal (dạng gói hay viên 1 g) chứa chất ngọt aspartam, mặc dù đã được khuyến cáo chống chỉ định cho những người mắc bệnh phenylketon niệu, Sweet’n Low (dạng gói 1 g) chứa chất ngọt saccharin, đã bị Bộ Y tế cấm sử dụng, vẫn được bày bán ở chợ Kim Biên hay một số hiệu thuốc trong thành phố.
Bình luận (0)