Những loài rắn, rết và côn trùng như ong vò vẽ, kiến cánh, bọ xít, kiến ba khoang… có thể gây hại cho trẻ bất cứ lúc nào. Vào mùa mưa, côn trùng, rắn rết sinh sản càng nhiều hơn. Phụ huynh cần giữ nhà cửa khô thoáng, tránh ẩm thấp và cây cối rậm rạp. Rắn, rết, côn trùng thường nằm dưới những nơi ẩm thấp, thiếu ánh sáng trong nhà, ngoài vườn và khi trẻ em mải chơi đùa sẽ bị những con vật độc, lạ "tấn công" dễ dàng hơn.
Đừng chủ quan
Chị L.T Mai (quận Thủ Đức) vừa đưa bé N.H.H (5 tuổi) vào Bệnh viện Nhi Đồng 2 cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, chóng mặt, chân tụ máu. Chị Mai cho biết buổi tối bé H. đói bụng, xuống bếp chờ chị nấu mì tôm. Bất ngờ, bé la to và chỉ vào chân bị con gì đó cắn.
"Trời tối, tôi cùng người nhà, loay hoay tìm xem con vật cắn bé nhưng không thấy. Đến khi nhập viện, bác sĩ cho biết bé bị rắn hổ mang cắn. Sau khi cắn, con không ngớt than đau nhưng tôi lại lờ đi vì nghĩ bé nhõng nhẽo, nên chỉ rửa nước, xoa dầu nóng lên đau. Buổi sáng, tôi thấy chân bé có dấu hiệu hoại tử, sốt cao, khó thở, chóng mặt nên tức tốc đưa bé đến bệnh viện" - chị Mai kể.
Ông Phạm Ngọc Thạch, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết dịch được tiết ra từ những loài rắn, rết hoặc côn trùng rất độc, có thể gây nhiễm trùng. Trường hợp nặng có thể gây độc toàn thân, suy gan, suy thận và có thể tử vong. Phụ huynh không nên dùng kim châm vào những chỗ bị bóng nước nổi trên da khi bị côn trùng cắn vì khi vết thương hở vi trùng dễ thâm nhập, dẫn đến nhiễm trùng, bội nhiễm gây nguy hiểm cho trẻ.
Phụ huynh nên chăm sóc tại chỗ như giữ sạch, bôi thuốc mỡ hoặc kháng viêm lên vùng da bị côn trùng cắn và đưa ngay đến bệnh viện để kiểm tra.
Theo bác sĩ Chuyên khoa 2 Vũ Hiệp Phát, Trưởng khoa nội Tổng hợp Bệnh viện Nhi Đồng 2, khi trẻ bị rắn cắn, cần nhận biết ngay loại rắn cắn bé để không mất nhiều thời gian kiểm tra và có phương pháp chữa trị kịp thời.
Mặt khác, khi trẻ bị ong vò vẽ cắn, có nhiều trường hợp nhạy cảm do cơ địa có thể sốc phản vệ dẫn đến khó thở, ngưng tim và gây tử vong chỉ trong thời gian ngắn. Do đó, cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện để bác sĩ theo dõi, tránh bôi kem đánh răng hay đắp lá theo phương pháp dân gian dễ gây bội nhiễm càng khó chữa trị...
Ngủ dưới nhà ẩm thấp dễ bị côn trùng chui vào tai
Việc côn trùng chui vào lỗ tai không phải là chuyện hiếm, đặc biệt đối với trẻ nhỏ. Theo bác sĩ Chuyên khoa 2 Nguyễn Tường Đức, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM, nếu côn trùng chui vào tai thì nhỏ ngập nước hoặc oxy già đầy tai, để côn trùng ngạt nước, có thể tự chui ra.
Bác sĩ Chuyên khoa 2 NguyễnTường Đức, Bệnh viện Tai Mũi Họng (TP HCM), đang thăm khám cho bệnh nhi bị dị vật mũi.
Nếu côn trùng quá lớn nên tới bệnh viện chuyên khoa để bác sĩ xịt thuốc vào tai làm chết côn trùng trước khi gắp ra. Tránh làm côn trùng vùng vẫy cắn phá thêm gây tổn thương da ống tai hoặc màng nhĩ. Phụ huynh có thể lấy dị vật dưới ánh sáng đèn Clar hoặc kính hiển vi.
Bé N.K.N ở Bình Dương, được mẹ đưa đến Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM khi một bên tai đã sưng tấy. Trong lúc nói chuyện bé thường xuyên khóc, than đau và ngứa ngáy rất khó chịu. Mẹ của bé N cho biết: "Chị quê ở Bến Tre, vào Bình Dương Làm việc được hơn 1 năm, do hoàn cảnh khó khăn, chị chỉ đủ tiền để mướn phòng trọ nhỏ, ọp ẹp ẩm thấp xa khu dân cư. Cách đây hai hôm, bé N bị con vật gì chui vào lỗ tai trong lúc ngủ. Tối đó, sau khi tăng ca, tôi đã quá mệt, không mắc màn cho bé ngủ, nên mới xảy ra chuyện đáng tiếc trên", chị Lan nói.
BS Đức cũng cho biết thêm, không nên nằm nền nhà ẩm thấp. Đặc biệt, ở nhà có vật nuôi như chó, mèo không được chăm sóc kỹ, dễ bị dị vật là ve chó… Ngoài ra, buổi tối, nếu bé đau tai đột ngột cần nghĩ đến dị vật tai hoặc viêm tai giữa cấp. Cả hai trường hợp này đều phải đưa trẻ đến bệnh viện gấp để bác sĩ có cách xử lý thích hợp. Riêng về dị vật mũi, ở trẻ ít gặp hơn nhưng có thể gặp dị vật là con đĩa, vắt chui vào mũi người lớn, trẻ em ở những vùng nông thôn có nhiều ao hồ… dấu hiệu là chảy máu mũi.
Mùa mưa xuất hiện nhiều kiến ba khoang
Theo Bác sĩ chuyên khoa 2 Vũ Hiệp Phát, mùa mưa có rất nhiều côn trùng được sinh sản, đặc biệt là kiến ba khoang. Sau cơn mưa, kiến ba khoang thường bay lên trú ngụ vào quần áo, giường, màn, khăn tắm hoặc có khi bay lên đậu vào người. Dịch của kiến ba khoang rất độc, không nên dùng tay để phủi vì dịch có thể làm thương tổn da. Trên da sẽ xuất hiện những ban đỏ, mụn nước, mụn mủ, loét nông. Vết thương rất đau dễ lầm tưởng là bệnh zona.
Bình luận (0)