Chạy xe máy hơn 1 giờ rưỡi từ Đồng Nai về TP HCM, ông T.M.T (52 tuổi; ngụ quận 3, TP HCM) trải qua 30 phút nắng gắt, 30 phút mưa to, gió tạt ướt hết cả người, chạy một đoạn nữa lại gặp nắng như thiêu. Sau khi nghỉ ngơi một đêm, sáng dậy, ông bị "đơ" nửa người trái, vai, cổ tê cứng, chân chuột rút, cánh tay nhức mỏi. Nhớ đến triệu chứng yếu liệt nửa người trong đột quỵ, ông sợ quá, phải nhờ con chở vào bệnh viện (BV).
Cảm lạnh vì dính mưa
"May là không phải, chỉ nhiễm nước, đau cơ thôi nhưng bác sĩ (BS) nói lần sau mà cứ dầm mưa dãi nắng như thế nữa, đột quỵ là chuyện không xa" - ông T. kể.
Những tưởng các cơn mưa làm dịu mát cái nắng hè gay gắt ở khu vực miền Nam nhưng chạy xe giữa thời tiết "chợt mưa, chợt nắng" đặc trưng của TP HCM khiến nhiều người vô cùng mệt mỏi. Như chị Mai T. (ngụ quận 10, TP HCM) vừa sụt sịt vừa dắt con vào BV Nhi Đồng 1 vì sau chặng đường 1 giờ mặc rồi cởi áo mưa đến 3 lần, mấy mẹ con đều bị cảm sốt.
BS chuyên khoa II nội tim mạch Trương Quang Anh Vũ, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp BV Thống Nhất (TP HCM), cảnh báo việc đi giữa thời tiết mưa nắng thất thường, nhất là khi một đoạn đường xen kẽ nhiều đợt mưa - nắng nguy hiểm không kém những ngày nắng kéo dài vài tháng trước.
Mối nguy nằm ở sự thay đổi nhiệt độ đột ngột. Nếu cơ thể đang yếu, có bệnh tim mạch mà từ phòng lạnh vội vã ra nắng hoặc người đang ướt mưa gặp ngay nắng gắt, nhiệt độ cao có thể khiến thân nhiệt tăng đột ngột, làm tim đập nhanh, tăng huyết áp. Hoặc cơ thể sẽ phản ứng bằng cách giãn mạch, tăng xuất tiết mồ hôi để cố gắng làm giảm thân nhiệt; khi đó, nếu cơ thể mất nước thì thể tích tuần hoàn giảm, có thể dẫn đến trụy mạch, tụt huyết áp.
Ngược lại, da đang nóng vì nắng mà tự nhiên có nước xối vào, ví dụ như vừa ngoài đường về là tắm ngay hoặc gặp mưa bất chợt, hiện tượng co mạch ngoại biên cũng làm tăng huyết áp. Nguy hiểm hơn, người có bệnh lý động mạch vành sẽ bị co thắt mạch vành, dễ dẫn đến nhồi máu cơ tim. Nếu hiện tượng co mạch đột ngột xảy ra trong các mạch nhỏ ở não thì dẫn đến đột quỵ. Hai tình huống tăng huyết áp do nóng đột ngột hoặc lạnh đột ngột kể trên cũng có nguy cơ đột quỵ. Các nguy cơ nói trên cao nhất ở người lớn tuổi, sức khỏe kém, có bệnh lý mạn tính, đặc biệt là cao huyết áp và các bệnh tim mạch khác.
Thời tiết nắng nóng nhưng thỉnh thoảng có mưa làm tăng nguy cơ mắc các bệnh hô hấp Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Cẩn thận với "hơi đất"
Một chuyên gia trong lĩnh vực khí tượng thủy văn cho biết ngay khi mưa xuống, qua không khí nóng đã bốc hơi ẩm thấp phần nào. Khi xuống nền đất, mặt đường nhựa sẽ bốc hơi đất, xảy ra hiện tượng thấp nhiệt, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.
"Nhất là kiểu thời tiết nắng nóng nhưng thỉnh thoảng có mưa sẽ dẫn đến thay đổi về áp suất và các thành phần hóa học trong không khí, từ đó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh hô hấp do hấp "hơi đất". Đây là một thứ hơi độc hại, không tốt cho sức khỏe" - chuyên gia này cảnh báo.
PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng Khoa Nhi BV Bạch Mai (Hà Nội), nhận định những cơn mưa mùa hạ sẽ khiến nhiệt độ giảm, làm dịu bầu không khí oi bức. Tuy nhiên, chính sự giảm nhiệt đột ngột khiến cơ thể không kịp thích nghi nên dễ đổ bệnh. Với trẻ nhỏ sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp, còn người mắc bệnh mạn tính có thể khiến bệnh trở nặng hơn, nhất là những người có tiền sử mắc bệnh cao huyết áp, phổi tắc nghẽn mạn tính, tim mạch...
BS chuyên khoa II Nguyễn Văn Phú, nguyên Trưởng Khoa Lão BV Nguyễn Trãi (TP HCM), khuyến cáo người cao tuổi, nhất là người sức khỏe không tốt, nếu không có việc gì thật cần thiết thì nên tránh ra đường trong khoảng thời gian 10-15 giờ. Nếu đi đường mà gặp mưa hay cảm thấy mệt vì trời nắng quá gắt nên tìm nơi tránh mưa, tránh nắng chứ đừng gắng đi tiếp. Ngoài ra, các BS cũng lưu ý nhiều người đang ở ngoài trời nắng nóng, khi đến những nơi mở máy lạnh thường có xu hướng chạy ào vào để sớm được hưởng không khí mát mẻ.
"Chính sự vội vã này có thể khiến các mạch máu bị co thắt, giãn hoặc co thắt phế quản, nhất là những người mắc bệnh lý tim mạch, cao huyết áp, hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính... Do vậy, khi đi từ ngoài trời nắng nóng cần lau khô mồ hôi rồi mới vào phòng lạnh" - PGS-TS Dũng cho hay.
Một điều cần chú ý trong những ngày nắng nóng là bù nước. Nếu không uống nhiều nước, cơ thể sẽ thiếu nước, thậm chí dẫn đến suy thận.
Đừng uống nước mưa ngừa cảm lạnh
Theo kinh nghiệm dân gian, trong trường hợp khi đi ngoài đường mà đột ngột gặp thì nên uống một ngụm nước mưa để giúp cơ thể nhanh thích ứng với nhiệt độ môi trường. Tuy nhiên, giới chuyên môn cho rằng với tình trạng ô nhiễm không khí như hiện nay, nhất là bụi mịn - "sát thủ vô hình" tồn tại trong không khí rất không tốt cho sức khỏe thì uống nước mưa không còn phù hợp.
Nước mưa cũng không còn sạch và an toàn khi uống trực tiếp. Các chuyên gia khuyến cáo người dân không nên cho trẻ em tắm nước mưa, không sử dụng nước mưa, nhất là nước mưa đầu mùa kèm nhiều bụi và các chất ô nhiễm trong không khí.
Bình luận (0)