Thời tiết nắng nóng, oi bức khiến các hộ gia đình, văn phòng đổ xô đi mua máy lạnh. Các nhân viên thì trốn nắng bằng cách ở rịt trong phòng máy lạnh. Máy lạnh khiến chúng ta dễ chịu hơn trong thời tiết khó chịu, thế nhưng nếu dùng không đúng cách sẽ sinh bệnh.
Bệnh do máy lạnh
Chị Hồng Nhung, nhân viên văn phòng một công ty ở quận 1, TP.HCM, cho biết: Từ đầu mùa nắng đến nay, người chị lúc nào cũng như ở trong tình trạng mệt mỏi do thường xuyên sổ mũi, nhức đầu, mũi lúc nào cũng khụt khịt, rất khó chịu.
Mua thuốc ở tiệm uống mãi không khỏi, đi khám được bác sĩ chẩn đoán bị viêm mũi dị ứng, nếu không cẩn thận chăm sóc cơ thể và đặc biệt là mũi họng, chị sẽ bị viêm xoang.
Làm việc trong văn phòng máy lạnh 8-10 tiếng/ngày, chị Nhung chỉ là một trong rất nhiều người mắc một trong những căn bệnh do máy lạnh mang lại. Cứ mỗi lần ra vào phòng máy lạnh là cơ thể phải thích nghi với sự thay đổi nhiệt độ, từ chỗ nóng vào chỗ mát, rồi từ lạnh trở lại với cái oi bức đột ngột của môi trường bên ngoài.
Tình trạng thay đổi nhiệt độ chỉ kéo dài trong mấy giây đồng hồ nhưng khiến trung khu điều nhiệt của cơ thể phải làm việc cật lực, sự thay đổi này bào mòn sức đề kháng của cơ thể chẳng khác nào một cơn stress gây nên các bệnh: viêm họng, viêm mũi, viêm xoang, mệt mỏi, chóng mặt, đau đầu, mất ngủ…
Cam giúp cơ thể giải nhiệt tốt trong mùa nắng nóng. Ảnh minh họa: PL
Ngoài các bệnh kể trên, những người thường xuyên ngồi trong môi trường máy lạnh còn có nguy cơ cao bị nhiễm vi trùng Legionella Pneumophila - vi trùng thường trú ẩn trong các ống nước của máy lạnh.
Tác hại của loại vi trùng này đã được thế giới cảnh báo từ nhiều thập niên trước do chúng rất nguy hiểm và thường gặp (chiếm 5% các trường hợp viêm phổi do vi trùng), có thể làm bệnh nhân khởi phát nhanh bệnh sưng phổi và các triệu chứng toàn thân trong vài ngày, dẫn đến tử vong. Những triệu chứng ban đầu của bệnh thường là cảm cúm, nóng sốt, sổ mũi, nặng hơn là sưng phổi kèm đau khớp, nhức đầu, tiêu chảy...
Tiến sĩ Huỳnh Tấn Tiến - Giám đốc Trung tâm Sức khỏe lao động và môi trường TP.HCM nhận định: Mặc dù trong danh sách các bệnh nghề nghiệp chưa đề cập, cũng như chưa có số liệu thống kê cụ thể về số trường hợp mắc bệnh do làm việc trong môi trường máy lạnh nhưng trong thực tế đã có nhiều bệnh nhân đến bệnh viện điều trị bệnh hô hấp mà nguyên nhân có liên quan đến máy lạnh.
Cách phòng tránh bệnh
Để phòng tránh các bệnh do máy lạnh đem lại, chúng ta nên thường xuyên mở cửa sổ đổi gió để đảm bảo trao đổi đối lưu giữa không khí nội-ngoại thất, mở máy sau 1-3 giờ thì tắt máy, sau đó mở cửa sổ cho không khí trong phòng thoát ra ngoài để không khí từ ngoài đi vào trong. Cần tận dụng nhiều gió tự nhiên làm giảm nhiệt độ trong phòng, tốt nhất sử dụng thêm máy tạo ion âm.
Nhiệt độ trong phòng không nên để quá thấp, nhiệt độ chênh lệch trong và ngoài phòng không quá 7oC, nếu không sau khi đổ mồ hôi đi vào trong phòng sẽ tăng gánh nặng cho trung khu điều nhiệt của cơ thể.
Khi đang đi ngoài đường nắng nóng không nên vào ngay phòng máy lạnh (hoặc để quạt thốc vào người) mà cần phải lau mồ hôi trước, tránh nhiễm lạnh đột ngột.
Phòng có gắn máy lạnh nên đảm bảo vệ sinh, giảm tối đa nguồn lây nhiễm của các bệnh. Tốc độ gió trong phòng nên duy trì khoảng 20 cm/giây, bàn làm việc không nên xếp ngay chỗ gió thổi ra bởi vì tốc độ gió nơi đây tăng cao.
Nếu cần ngồi lâu trong phòng làm việc nên mặc thêm áo, vùng gối che thêm bằng khăn... để bảo vệ thân thể, đồng thời lưu ý nghỉ giải lao, đứng dậy cử động để tăng tuần hoàn máu huyết cho cả mao mạch. Về nhà, nên tắm bằng nước ấm, tự xoa bóp và vận động để cơ thể khỏe mạnh.
Bên cạnh đó, cần chăm sóc cơ thể bằng cách: uống nhiều nước để tránh mất nước, tạo độ ẩm, bảo vệ đường hô hấp; dùng những loại trái cây có tính giải nhiệt như nước cam, nước chanh, không nên lạm dụng nước đá vì sẽ lạnh đột ngột ở vùng họng, dễ gây bệnh.
Cần đặc biệt lưu ý khi dùng máy lạnh cho người cao tuổi và trẻ nhỏ, hai đối tượng này cảm giác về nhiệt cũng như sự điều tiết nhiệt độ của cơ thể kém hơn.
Bình luận (0)