Bác sĩ Lưu Quang Minh, Khoa Hồi sức tim mạch - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết người dân đi mua thực phẩm khó tránh khỏi các nguồn phơi nhiễm tiềm năng, như tiếp xúc gần với người bán hàng đã nhiễm SARS-CoV-2, chạm vào tiền mặt hoặc hàng hóa mà người bán hàng hoặc nhân viên thu ngân mắc Covid-19 từng chạm vào.
Virus có thể sống trên bề mặt
Để hạn chế tiếp xúc trong thời gian giãn cách xã hội, nhiều địa phương đã triển khai việc phát phiếu đi chợ cho các hộ gia đình.
Chị Phạm Bích Diệp - ngụ tại một chung cư ở quận Hoàng Mai, TP Hà Nội - cho biết gần 2 tháng nay, chị hạn chế đi chợ, siêu thị bằng cách mua thực phẩm qua qua mạng. "Thực phẩm mua trên mạng đôi khi có thể không được như mong muốn nhưng cách mua hàng này sẽ giúp hạn chế tiếp xúc với người có nguy cơ" - chị Diệp giải thích.
Theo các chuyên gia y tế, hiện mầm bệnh đã tồn tại trong cộng đồng. Thực tế, không ít trường hợp mắc bệnh nhưng không có biểu hiện gì. Những trường hợp này là nguy cơ lây bệnh cho người khác.
PGS-TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng - Bộ Y tế, cho biết hiện chưa có thông tin về khả năng virus SARS-CoV-2 có thể lây lan qua thực phẩm tươi hoặc thực phẩm đóng gói. Nhưng virus SARS-CoV-2 có thể lây nhiễm từ người bệnh sang người lành thông qua tiếp xúc gần do hít phải giọt bắn có chứa virus của người bệnh. Việc lây nhiễm cũng có thể qua cơ chế tiếp xúc bàn tay với bề mặt các vật dụng chứa virus.
"Virus SARS-CoV-2 có thể sống trên các bề mặt khác nhau từ vài giờ đến vài ngày" - PGS Trần Đắc Phu cảnh báo.
Để phòng ngừa Covid-19, người dân đi chợ, siêu thị cần thực hiện nghiêm thông điệp 5K
Thanh toán không chạm
Từ những nguy cơ có thể bị lây nhiễm khi tiếp xúc, giao tiếp trực tiếp với người bán hàng, nhân viên thu ngân hoặc người khác khi đi chợ, siêu thị hay trung tâm thương mại, người dân cần thực hiện một số biện pháp phòng bệnh cần thiết.
Theo đó, khi đi chợ, siêu thị hoặc trung tâm thương mại, người dân nên đeo khẩu trang và tấm chắn giọt bắn. Mang theo khăn lau hoặc khăn giấy để lau tay cầm của giỏ hàng hoặc xe đẩy. Trường hợp sử dụng túi mua sắm có thể tái sử dụng, hãy bảo đảm chúng được làm sạch hoặc giặt sạch trước mỗi lần dùng.
Bác sĩ Lưu Quang Minh khuyến cáo để hạn chế nguy cơ lây lan mầm bệnh, khi đi chợ, siêu thị mua thực phẩm, người dân cần giữ khoảng cách với những người mua sắm khác hoặc với tiểu thương, nhân viên bán hàng. Khuyến khích sử dụng thanh toán không chạm (internet banking, mã QR, bằng thiết bị di động), thanh toán tiền trực tuyến thay vì dùng tiền mặt.
Người dân cần giảm thiểu việc xử lý tiền mặt hay các loại thẻ như ATM, thẻ tín dụng, thẻ thưởng, thẻ đổi quà. Cần lựa chọn mua sắm từ xa; gửi tiền, giao hàng, nhận hàng gián tiếp hoặc qua điện thoại để hạn chế tiếp xúc.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết trong hướng dẫn mới nhất gửi UBND các tỉnh, thành phố và Bộ Công Thương, Bộ Y tế đề nghị tổ chức xét nghiệm Covid-19 bằng test nhanh kháng nguyên cho người quản lý, làm việc, bán hàng hằng tuần tại các chợ đang hoạt động. Tổ chức mua hàng tại chợ theo quy định một chiều (chiều vào, chiều ra khác nhau).
Ngoài ra, các chợ phải tạo mã QR điểm kiểm dịch tại cửa ra vào; yêu cầu người lao động/làm việc, người bán hàng, khách hàng phải khai báo y tế qua quét mã QR hoặc khai trên giấy hằng ngày khi vào chợ, thực hiện nghiêm thông điệp 5K.
Bình luận (0)