Em N.T.S (17 tuổi, học lớp 12 tại một trường THPT ở quận Bình Thạnh-TPHCM) đã 3 lần ngất xỉu trong giờ học. Bà T.M, mẹ của S., rất lo lắng nên đưa em đi khám ở nhiều nơi. Kết quả tại một phòng khám tâm lý – tâm thần cho thấy S. mắc chứng rối loạn phân ly (histeria, dân gian còn gọi là cà hước). Áp lực từ gia đình muốn S. đậu vào một trường ĐH tốp trên, trong khi sức học của S. chỉ ở mức khá khiến em căng thẳng kéo dài dẫn đến ngất xỉu.
Ngất xỉu hàng loạt
Trường hợp như em S. không phải hiếm gặp. Gần đây ở nhiều địa phương đã xảy ra một số vụ nữ sinh ngất hàng loạt, có khi lên đến hơn trăm em và đều được các chuyên gia y tế kết luận do chứng rối loạn phân ly.
Theo một số bác sĩ (BS) chuyên khoa tâm thần, hiện tượng này thường xảy ra ở những nơi tập trung nhiều phụ nữ trẻ như trường học, nhà máy… Khi một người ngất vì histeria, sự lây lan tâm lý dễ dẫn đến ngất xỉu hàng loạt.
Theo BS Vũ Đình Vương, Trưởng Khoa Nội trú Bệnh viện Tâm thần TPHCM, rối loạn phân ly hiếm gặp ở nam giới. Người bệnh thường biểu hiện bằng cơn ngất; cơn không nói; bỗng dưng liệt, yếu tay, chân; co giật… Cơn này thường hết trong thời gian ngắn nhưng cũng có trường hợp cá biệt bệnh nhân không chịu nói trong nhiều ngày liền sau khi học thi quá căng thẳng.
Mục đích gây chú ý
Theo BS Quang, các cơn ngất, co giật, mất tiếng, ủ rũ… ở người bị rối loạn phân ly khác với người mang các bệnh thực thể ở chỗ đây là một phản ứng nhằm gây chú ý tới mọi người xung quanh và thường người bệnh có thể ý thức được sự việc đang xảy ra.
“Người mắc bệnh thực thể có thể ngất ở bất cứ đâu, bất kỳ lúc nào, còn người bị chứng rối loạn phân ly sẽ ngất ở chỗ đông người và sạch sẽ, an toàn” – BS Quang cho biết. Tuy nhiên, do hiện tượng “sao chép” triệu chứng này, khi xảy ra hiện tượng ngất xỉu, co giật đột ngột, nghi ngờ là rối loạn phân ly, trước tiên phải loại trừ các nguyên nhân thực thể như bệnh tim, động kinh vốn cần cấp cứu kịp thời.
Các biểu hiện của bệnh thường xảy ra do một tác nhân không thuận lợi trong thực tại đưa đến, gây ra phản ứng trong lúc cao độ. Đây chỉ là những “triệu chứng giả đò” nên trong nhiều trường hợp, mọi người càng lo lắng, vỗ về thì người bệnh càng lâu tỉnh. BS Quang lưu ý thêm rằng do điều kiện sống cũng liên quan đến bệnh nên các trường hợp ngất hàng loạt thường xảy ra tại các địa phương nghèo.
Cân bằng việc học với thư giãn Theo các BS, sức khỏe không tốt cũng là một yếu tố thuận lợi dễ dẫn đến cơn rối loạn phân ly. Để ngăn ngừa cơn ngất, co giật… tái diễn, người bệnh cần cải thiện điều kiện làm việc, học tập cũng như rèn luyện kỹ năng sống để đối diện với stress. Cơn ngất do hội chứng này không đáng lo ngại nhưng về lâu dài, người bệnh cần được điều trị về mặt tâm lý – tâm thần. Trong mùa thi, để phòng tránh hiện tượng này xảy ra với các nữ sinh, phụ huynh nên tăng cường dinh dưỡng cho các em để nâng cao thể chất, đồng thời cân bằng việc học với thời gian thư giãn và gặp gỡ bạn bè. |
Bình luận (0)