Trên mạng luôn có hàng loạt “thư rác” rao bán đủ loại thuốc, trong đó có cả thuốc an thần như Hydrocodone là thuốc giảm đau trong nhóm thuốc gây nghiện. Ambien (Zolpidem) điều trị mất ngủ, chống chỉ định ở trẻ em dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai hoặc cho con bú. Valium là thuốc ngủ trong danh mục thuốc hướng tâm thần. Xanax: thuốc điều trị các thể lo âu trầm cảm, chống chỉ định: mẫn cảm với benzodiazepin, suy hô hấp nặng, phụ nữ có thai (ba tháng đầu) hoặc cho con bú. Soma: thuốc điều trị đau cơ có điều kiện, thuốc có thể gây nghiện nên chỉ được sử dụng khi có toa bác sĩ (BS). Ultram (Tramadol) cũng nằm trong danh mục thuốc gây nghiện. Phentermine: thuốc điều trị béo phì đơn thuần có kèm biến chứng, chống chỉ định trong các trường hợp: glaucom, phụ nữ có thai, suy tim nặng, cao huyết áp, cường giáp, bệnh tâm thần...
Đặc biệt các thuốc cương dương cũng được rao bán rộng rãi. Levitra, Cialis, Viagra là các thuốc điều trị rối loạn cương dương. Viagra được quản lý khá nghiêm ngặt: không lưu hành rộng rãi trên thị trường, chỉ sử dụng trong phạm vi các cơ sở điều trị tuyến trung ương và các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh. Thuốc phải được kê đơn và lưu đơn đúng qui định của Bộ Y tế. Khi kê đơn thuốc cho bệnh nhân, BS phải phổ biến tác dụng dược lý, chỉ định và liều dùng để tránh lạm dụng thuốc gây tai biến cho bệnh nhân... Thế nhưng trên thị trường TP.HCM và trên mạng, Viagra đủ loại giá nào cũng có: 40.000đ/viên, 60.000đ/viên, 70.000đ/viên. Nơi sản xuất được ghi “xuất xứ xịn” từ Úc, Mỹ...
Việc quảng cáo thuốc trên mạng rất nhộn nhịp. Tại địa chỉ “Baleric@ecross... người ta chào giá Cialis + Viagra 20 viên: 129,95 USD, 40 viên: 249,95 USD, 60 viên: 319,95 USD... Nhiều địa chỉ khác cũng chào bán các thuốc Hydrocodone: 6,42 usd/viên, Ambien: 2,78 USD, Levitra: 2,64 USD, Cialis: 2,78 USD, Xanax: 2,09 USD, Soma: 1,17 USD, Vicodin ES: 6,75 USD, Valium: 2,67 USD, Viagra: 2,78 USD, Xenical: 1,87 USD, Phentermine: 3,77 USD, Ultram: 1,24 USD... |
Xung quanh vấn đề rao bán thuốc qua mạng, TS Cao Minh Quang - cục trưởng Cục Quản lý dược VN - cho biết trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, một số tổ chức và cá nhân hám lợi đã lôi kéo những người cả tin mua bán thuốc trên mạng mà không cần kê đơn hay bất cứ sự tư vấn nào của BS. Trên Internet xuất hiện những website khi bán thuốc chỉ cần trả tiền vào tài khoản và thông báo địa chỉ là lập tức dịch vụ cung ứng thuốc “tận tay” được thực hiện.
Có điều thuốc đó do ai bán, chất lượng như thế nào, thuốc có giá cao hay thấp thì hoàn toàn khó có câu trả lời chính xác. Đây cũng là mảnh đất màu mỡ cho thuốc giả hoạt động vì thiếu chế tài và sự không kiểm soát nổi của các cơ quan chức năng. Đáng lo ngại là các thuốc chào bán trên mạng Internet có cả những thuốc cần quản lý chặt chẽ, chỉ được sử dụng khi có chỉ định của BS như thuốc liên quan đến rối loạn cương dương hoặc các thuốc an thần.
Theo TS Cao Minh Quang, do có liên quan đến sự an toàn của người bệnh nên việc rao bán thuốc trên mạng đang trở thành vấn đề khá bức xúc. Tuy Bộ Y tế không có chức năng quản lý, kiểm soát các giao dịch trên mạng thông tin điện tử nhưng đứng trước thực trạng này Cục Quản lý dược VN rất quan tâm đề ra những biện pháp quản lý trong quyền hạn của mình. Hiện đã dự thảo lần thứ ba thông tư liên tịch Bộ Thương mại - Y tế “hướng dẫn bán buôn thuốc qua các phương tiện điện tử” đang được lấy ý kiến, trong đó có qui định rõ: cấm bán lẻ thuốc qua phương tiện điện tử, bất kể loại thuốc nào. Khi thông tư liên tịch này được ban hành thì đây sẽ là cơ sở cho việc ngăn chặn tệ nạn bán thuốc bừa bãi qua mạng.
TS Cao Minh Quang cũng nhấn mạnh người tiêu dùng không nên mua thuốc qua mạng, nhất là những thuốc phải kê đơn, những thuốc cần có sự thăm khám của BS. Điều này rất nguy hiểm vì không chỉ có khả năng mua với giá “cắt cổ” mà còn mua phải thuốc giả, thuốc kém chất lượng và không đúng tình trạng bệnh của mình, dẫn đến “tiền mất tật mang”, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng.
Bình luận (0)