Anh Đ.T.C, 26 tuổi, ngụ tại TP.HCM là một bệnh nhân quen thuộc của phòng Chăm sóc Da BV ĐH Y Dược. Anh C. bị mụn trứng cá ngày vừa mới đến tuổi trưởng thành. Nhưng, với tính cách đàn ông, C. không để ý và xuề xoà cho qua.
Chăm sóc da đúng mực
Cho đến bây giờ, khi C. được 26 tuổi, khuôn mặt với những cái mụn mủ, sưng đỏ tấy, trở thành một trở ngại tâm lý khi C. giao tiếp với những người chung quanh. Ngoài ra, những cái sẹo đã lành để lại trên gương mặt da của C. nhiều vết sẹo xấu.
Đ.T.C. đã đến khám tại phòng Chăm sóc Da của BV ĐH Y Dược từ giữa tháng 9/2006. Tính đến nay, anh C. đã đều đặn đến khám được hơn 10 lần. Mỗi lần như vậy, ngoài thuốc uống và bôi ngoài da, anh được chiếu ánh sáng xanh.
Ngoài việc bỏ qua không chữa trị khi da bắt đầu bị mụn, mụn trứng cá nặng hơn còn là do chăm chút quá kỹ, nhưng lại không đúng chuyên khoa.
Còn cô N.L.V, 23 tuổi ở Tân Bình, TP.HCM, lại quá o bế khuôn mặt của mình. Cô rất thích đi mát-xa và đắp mặt nạ dưỡng chất tại một thẩm mỹ viện khá cao cấp. Về nhà, V. lại sử dụng một loại thuốc dán để làm xẹp mụn.
Với thu nhập khá của một nhân viên văn phòng, một tuần một lần, V. đều đặn đi mát-xa và đắp mặt nạ, ngay cả khi mặt cô xuất hiện một vài chiếc mụn. Mỗi tuần một loại mặt nạ khác nhau, hôm thì nha đam, hôm thì dưa leo. Vô tình, mát-xa và đắp mặt nạ đã làm vi trùng ở mụn nặng lan ra khắp mặt.
Khi có một chiếc mụn to, V. lại nhờ nhân viên mát-xa của thẩm mỹ viện nặn ra. Vốn có cơ địa sẹo xấu, nên gương mặt của V. bị nhiều vết rỗ to nhỏ khác nhau.
Sẹo sẽ lành
Theo ThS.BS Lê Thái Vân Thanh, Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM, điều trị mụn trứng cá trước hết cần phải tôn trọng cấu trúc da.
"Với những người có cơ địa sẹo xấu, việc rạch, chích, nặn mụn đều có nguy cơ gây thành sẹo lồi. Chỉ có bác sĩ chuyên khoa mới biết nang lông nào bị nhiễm và gốc nang lông ở đâu". BS Vân Thanh cho biết.
Tại những nơi khám chuyên khoa, các bác sĩ sẽ tiến hành việc lấy mụn bằng các kim chích mụn có mũi tiêm vô cùng nhỏ. Người ta gọi đó là kim chích 1cc.
Với kim chích này, các bác sĩ dùng mũi kim nong lỗ chân lông to ra để lấy cồi dễ dàng hơn. Không phải với mục đích dùng kim đâm thủng da, nên sau khi lấy mụn, da sẽ không bị tổn thương và chảy máu.
Đối với những trường hợp mụn trứng cá nhẹ, bác sĩ điều trị chỉ cần cho thuốc bôi kết hợp với ánh sáng xanh. Nhiều nghiên cứu cho thấy, ánh sáng xanh có thể tiêu diệt vi trùng, giảm viêm đỏ và góp phần giảm nhờn.
Những ca bị mụn trứng cá nặng, trung bình mỗi tuần cần phải chiếu ánh sáng xanh từ 1 - 2 lần. Chi phí cho mỗi lần chiếu là 120.000 đồng. Ngoài sử dụng phương pháp chiếu xạ, bệnh nhân cần phải uống thuốc và phối hợp với sử dụng thuốc bôi.
Sau khi điều trị hết mụn, người bệnh vẫn phải duy trì một chế độ chăm sóc da, hạn chế các chất ngọt và sản phẩm từ sữa. (Nguồn:VNN)
Khi sử dụng thuốc bôi trị mụn, người bệnh phải bôi hết mặt. Vì trên cùng một người, bất kỳ một nang lông nào cũng bị tác động bởi ba yếu tố gây mụn: sự tạo bã từ các tuyến bã nhờn, hoạt động của vi trùng gián tiếp tác động lên tiến trình viêm, hiện tượng tạo chất sừng bên trong nang lông. Điều quan trọng là nang lông nào bị viêm và nhiễm trùng, nổi lên tạo thành mụn.
Những miếng dán trị mụn có thể có chứa kháng sinh hoặc thuốc kháng viêm tác động tại chỗ nên chỉ có tác dụng điều trị tạm thời. Trước mắt, mụn to xẹp xuống hoặc che đậy được khuyết điểm tạm thời. Tình trạng viêm nang lông vẫn tồn tại.
Điều trị mụn trứng cá nặng không đòi hỏi mất nhiều thời gian, nhưng cần phải kiên trì. Thời gian điều trị liên tục ít nhất là từ 2 - 3 tháng. Tuỳ loại mụn, các bác sĩ chuyên khoa sẽ có phương pháp điều trị khác nhau.
"Sau 2 - 3 tháng, vết sẹo lồi lõm chỉ còn là một dát phẳng ngang mặt da. Và sau một thời gian, màu sắc của nó sẽ trùng lại với vùng da bình thường xung quanh," BS Vân Thanh khẳng định.
Điều quan trọng, sau khi điều trị hết mụn, người bệnh không nên buông bỏ. Họ phải tiếp tục một chế độ chăm sóc da và chế độ ăn hợp lý (tránh đồ ngọt và hạn chế sữa).
Sở dĩ, mụn trứng cá xuất hiện có liên quan đến nội tiết tố. Trong sữa, nhất là chế phẩm từ sữa bò, có chứa một lượng nội tiết tố nhất định, kết hợp với một cơ thể có cường nội tiết tố, mụn có thể dễ dàng tái phát.
Bên cạnh đó, người bệnh cũng phải duy trì những loại thuốc uống cũng như bôi gọi chung là thuốc dưỡng da: một số loại thuốc chống oxy hoá, giảm nhờn.
Bình luận (0)