Mướp là một loại cây thảo dạng dây leo. Lá mọc so le, dạng tim, có 5-7 thùy có răng. Hoa đơn tính, các hoa đực tập hợp thành chùm dạng chùy, các hoa cái mọc đơn độc. Quả dài trung bình từ 25-30 cm hay hơn, rộng 6-8 cm, hình trụ thuôn, khi già thì khô, bên trong có nhiều xơ dai.
Mướp kích thích tiết sữa
Trong đông y, mướp được sử dụng làm thuốc, từ xơ, lá, dây đến rễ, hạt đều được dùng. Lá mướp có tác dụng cầm máu, thanh nhiệt giải độc, hóa đàm chỉ khái (chữa ho). Hạt mướp có tác dụng thanh nhiệt hóa đàm, nhuận tràng, sát trùng. Dây mướp có tác dụng lưu thông máu huyết, hóa đàm chỉ khái. Rễ mướp có tác dụng thanh nhiệt giải độc. Quả mướp có tác dụng thanh nhiệt hóa đàm, giải độc.
Quả mướp dùng ăn bình thường chữa được chứng đậu sởi, lở, sưng, đau nhức; kích thích sự tiết sữa ở các bà mẹ đang nuôi con và tăng cường sự tuần hoàn. Xơ mướp thường dùng trị gân cốt đau nhức, đau mình mẩy ngực sườn, bế kinh, sữa chảy không thông, viêm tuyến sữa, thủy thũng. Lá dùng trị ho, ho gà, nắng nóng miệng khát; dùng ngoài trị vết thương chảy máu, ghẻ lở. Hạt dùng trị ho nhiều đờm, giun đũa, tiểu khó. Dây mướp dùng trị đau lưng, ho, viêm mũi, viêm nhánh khí quản. Rễ dùng trị viêm mũi, viêm các xoang phụ của mũi.
Một số cách trị bệnh từ cây mướp
* Chữa da mặt lở loét: Dùng trái mướp, quả bồ kết với lượng bằng nhau, cùng đốt thành than, nghiền thật mịn, trộn với dầu vừng, bôi vào chỗ da bị bệnh, ngày 2 lần.
* Chữa viêm da: Dùng lá mướp tươi, rửa sạch, vò nát, xát vào chỗ ngứa, cho tới khi da đỏ ửng lên, nhìn thấy những tia máu thì ngừng; cách ngày xát 1 lần, 7 lần xát là 1 liệu trình. Kinh nghiệm thực tế cho thấy sau 1-2 liệu trình thường bắt đầu có chuyển biến tốt.
* Chữa da mọc mụn, sưng tấy: Dùng lá mướp, hành để cả rễ, lá hẹ, lượng bằng nhau; cùng cho vào cối đá giã nhuyễn, hòa thêm chút rượu trắng, vắt nước cốt uống.
* Chữa nhọt độc mưng mủ sưng đau: Dùng quả mướp non, giã nát đắp lên nhọt, dùng băng cố định lại, mỗi ngày thay thuốc 1 lần.
* Chữa chứng viêm loét mông: Dùng vỏ quả mướp, sấy khô, tán thành bột mịn, nấu với rượu; dùng bông thấm rượu thuốc bôi ngày 3-4 lần.
* Chữa lở ngứa ở bộ phận sinh dục: Dùng lá mướp 60 g, thương nhĩ thảo 30 g, dã cúc hoa 60 g; nấu xong dùng ngâm rửa hằng ngày.
* Chữa ho, đờm vàng đặc: Mướp tươi 1 quả (khoảng 150 g), thái thành từng đoạn, giã vắt lấy nước cốt, thêm mật ong hoặc hòa nước sôi, chia thành nhiều lần uống trong ngày, mỗi lần nửa chén trà. Hoặc dùng hoa mướp 6-9 g, mật ong 10 g, sắc uống. Ngoài tác dụng chữa ho, cả 2 phương pháp nói trên còn có thể sử dụng chữa sốt nóng, người bồn chồn, khát nước.
* Chữa viêm họng, mất tiếng: Lấy 1 quả mướp già (hái vào mùa thu, khi sương đã xuống, đông y gọi là "thiên cô lâu"), thái thành từng khúc, sắc lấy nước uống dần trong ngày.
* Chữa chứng sốt dai dẳng: Dùng xơ mướp 8 g, kim ngân hoa 12 g; sắc nước uống thay trà trong ngày. Dùng trong trường hợp người chỉ hâm hấp sốt, nhưng dai dẳng lâu ngày không khỏi, miệng hơi khát, đầu óc mông lung không tỉnh táo.
* Chữa chứng thiên đầu thống (đau nửa đầu do nhãn áp tăng): Dùng rễ mướp tươi 90 g, trứng vịt 2 quả, luộc ăn trong ngày, liên tục 5 ngày.
* Chữa hen phế quản: Dùng xơ mướp 9 g, tang bì 10 g, hạnh nhân 8 g, đậu tương 20 g; sắc nước uống.
* Chữa chân tay, khớp xương đau nhức lâu ngày: Dùng xơ mướp 9 g, cỏ xước 12 g; sắc nước uống trong ngày.
* Chữa ngực sườn đau tức, da khô ngứa bong vẩy: Dùng xơ mướp 9 g, tang chi (tức cành cây dâu tằm) 12 g; sắc nước uống trong ngày.
* Chữa xuất huyết: Dùng trái mướp già 100 -120 g, đường trắng 50 g; mướp rửa sạch, thái nhỏ, sắc lấy nước, hòa đường trắng vào, để nguội, chia ra nhiều lần uống trong ngày. Hoặc dùng xơ mướp tán bột, mỗi lần uống 2 g, ngày 3 lần. Dùng chữa các loại xuất huyết, như đổ máu cam, trĩ xuất huyết, đại tiểu tiện xuất huyết, tử cung xuất huyết, ...
* Chữa sản phụ thiếu sữa cho con bú: Cá diếc 2 con (khoảng 500 g), mướp 200 g, nấu canh ăn. Hoặc mướp 250 g, hạt sen 60 g, trứng gà 1 quả, dầu vừng, mắm muối gia vị lượng thích hợp; mướp thái sẵn thành miếng nhỏ, hạt sen ninh nhừ, cho mướp vào nấu tiếp 5 phút, đập trứng gà vào, thêm dầu vừng, mắm muối gia vị cho hợp khẩu vị; ngày ăn 1 lần, liên tục 7-10 ngày.
* Chữa phụ nữ băng huyết: Dùng lá mướp sao cháy đen, nghiền mịn; ngày uống 3 lần, mỗi lần 6-15 g, chiêu thuốc bằng nước sôi pha thêm chút rượu trắng. Hoặc dùng trái mướp và tông lư (tức cuống lá hay bẹ móc của cây cọ cảnh) mỗi vị đều có lượng bằng nhau, đốt tồn tính (không cho cháy thành tro), tán mịn, trộn đều; hòa với rượu, uống vào lúc đói bụng; ngày 3 lần, mỗi lần uống 3-6 g.
Bình luận (0)