Một cây son môi giá chỉ từ 2.000 đồng - 5.000 đồng, hộp phấn trang điểm chỉ 8.000 đồng - 10.000 đồng, mascara giá 10.000 đồng - 15.000 đồng/cây, phấn hồng từ 5.000 đồng - 15.000 đồng/hộp, kem làm mềm da giá chỉ 12.000 đồng/chai, nước hoa hồng giá 10.000 đồng/chai, kem dưỡng da giá 20.000 đồng/chai... Với giá rẻ như vậy, nên loại mỹ phẩm này đang thu hút không ít người tiêu dùng. Tuy nhiên, theo các nhà sản xuất mỹ phẩm uy tín thì người tiêu dùng cần thận trọng với các loại sản phẩm này.
Chỉ là sáp và bột màu
Tất cả các sản phẩm trên đều xuất hiện dưới hai dạng: Dạng phổ biến là nhái các nhãn hiệu Essance, L’Oreal, Cover Girl, Shiseido..., bằng cách thu mua lại bao bì xịn rồi đổ ruột dỏm vào. Dạng thứ hai mới xuất hiện nhưng bán rất chạy là hàng không nhãn hiệu mà người bán thường nói là hàng sơ-cua kèm theo sản phẩm chính (một số nhà sản xuất nước ngoài thường sản xuất mỹ phẩm sơ-cua không bao bì để bán với giá rẻ hơn). Tuy nhiên, theo một số hãng sản xuất mỹ phẩm uy tín, thì các loại sản phẩm trên có thể được làm giả trong nước, một số loại được chế lại bằng cách mua hàng hết “đát” rồi đổ ra trộn lẫn với nhau để tạo màu phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.
Chuyên viên của Công ty Mỹ phẩm LG-Vina khẳng định: Với giá quá rẻ như vậy thì không thể nào có một sản phẩm tốt. Theo quy định đối với mỹ phẩm, tất cả nguyên liệu hay hợp chất để sản xuất đều phải được kiểm tra nghiêm ngặt. Ví dụ, một hộp phấn mắt của các nhãn hiệu uy tín đều được xét đến mức độ an toàn để có thể dùng ở vùng mắt, một vùng rất nhạy cảm. Hay như son môi, ngoài màu sắc làm đẹp còn phải có chất giữ độ ẩm để bảo vệ môi không bị nứt và khô; mascara ngoài việc tạo màu còn phải có chất giữ màu và không gây rụng lông mi; phấn hồng phải phù hợp và giảm mức độ dị ứng da đến mức thấp nhất. Những sản phẩm đạt các yêu cầu trên không thể có giá thấp hơn mức giá 30.000 đồng/sản phẩm. Cũng theo phân tích của các nhà chuyên môn, sở dĩ có các loại mỹ phẩm rẻ tiền như vậy là do các sản phẩm thực chất chỉ đơn giản làm từ bột màu và sáp để tạo màu sắc cho các loại phấn hồng, phấn mắt, phấn nền, son...
Những tác hại cụ thể
Bà Souche, chuyên viên huấn luyện săn sóc da của Viện Dermalogica (Mỹ) tại Việt Nam, phân tích tác hại của việc sử dụng các loại mỹ phẩm rẻ tiền như sau: Các loại sản phẩm với giá rẻ như trên không chứa các chất bảo vệ da do các hoạt chất này rất đắt tiền và vì vậy chúng phá hoại da hơn là làm đẹp da. Bà Souche đưa ra một so sánh cụ thể: Chẳng hạn, đối với sản phẩm kem tẩy trang thì tính năng rửa sạch có thể giống nhau, nhưng chắc chắn các loại mỹ phẩm không nhãn hiệu sẽ không có các dưỡng chất làm mềm da để cân bằng tính năng tẩy rửa và như vậy càng dùng lâu da sẽ càng bị bào mòn tạo thành da chết và khô. Đối với các loại mỹ phẩm đặc trị rẻ tiền càng nguy hiểm hơn. Ví dụ, mỹ phẩm chống nắng ngoài việc có các chất chống ozonate, phải có cả các hoạt chất chế từ thực vật để tự chữa lành vết sưng tấy do ảnh hưởng của nắng và môi trường. Còn các sản phẩm rẻ tiền thì chứa duy nhất hóa chất lột lớp da đã bị nắng và nếu lớp da mới vẫn tiếp tục bị “bắt” nắng thì dưới tác dụng của mỹ phẩm, da sẽ bị lột nhiều lần gây dị ứng da, nám da, có thể dẫn đến ung thư da v.v... Để hạn chế tác hại, các nhà chuyên môn khuyên người tiêu dùng nên thử trước khi sử dụng chính thức bằng cách bôi vào vùng da nhạy cảm như cổ, mu bàn tay... để kiểm tra khả năng phản ứng của da.
Bình luận (0)