Trường hợp thứ nhất là trẻ mới biết đi ở bang California, còn lại là trẻ sơ sinh không mang quốc tịch Mỹ nhưng được phát hiện mắc bệnh đậu mùa khỉ khi đi thăm khám tại bệnh viện ở thủ đô Washington, theo CDC.
Hai bệnh nhi được mô tả là có sức khỏe tốt và đang được điều trị. Nguyên nhân khiến 2 cháu mắc bệnh đang được làm rõ, song giới chức CDC Mỹ nhận định khả năng lây nhiễm từ gia đình.
Các chi tiết khác về hai bệnh nhi nói trên hiện vẫn chưa được tiết lộ.
Hai trẻ em ở Mỹ được xác định mắc bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh minh hoạ: Shutterstock
Bệnh đậu mùa khỉ được cho là có nguồn gốc từ các vùng của châu Phi, nhưng kể từ đầu năm 2022 đã có hơn 15.000 trường hợp được báo cáo ở các quốc gia mà lịch sử chưa từng ghi nhận ca bệnh.
Tại châu Âu và nước Mỹ phần lớn các ca mắc bệnh đậu mùa khỉ xảy ra ở nam có quan hệ tình dục đồng giới, mặc dù các quan chức y tế đã nhấn mạnh rằng bất kỳ ai cũng có thể bị nhiễm virus gây bệnh này.
Ngoài hai trường hợp bệnh nhi, giới chức y tế cho biết có ít nhất 8 phụ nữ trong số hơn 2.800 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ ở Mỹ được báo cáo cho đến nay.
Mặc dù virus gây bệnh đậu mùa khỉ chủ yếu lây lan ở đàn ông có quan hệ tình dục đồng giới nhưng "Sẽ không ngạc nhiên khi chúng tôi thỉnh thoảng thấy các trường hợp mắc bệnh do nguyên nhân khác" - chuyên gia Jennifer McQuiston của CDC Mỹ nói với các phóng viên hôm 22-7.
Virus gây bệnh đậu mùa khỉ có thể lây truyền qua tiếp xúc cá nhân gần gũi, do dùng chung khăn tắm, bộ đồ giường. "Điều đó khẳng định nó có thể lây bệnh qua tiếp xúc thường xuyên giữa các thành viên trong gia đình" - Tiến sĩ James Lawler, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Đại học Nebraska, cho biết.
"Mọi người không nên nằm lên giường của nhau trừ khi họ đang sống trong cùng gia đình, dưới chung một ngôi nhà" - tiến sĩ James Lawler nhấn mạnh.
Tại các quốc gia châu Âu cũng ghi nhận ít nhất 6 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ ở trẻ em từ 17 tuổi trở xuống.
Mới đây, các bác sĩ tại Hà Lan cho biết một cậu bé ở Amsterdam phải nhập viện khi rải rác trên cơ thể xuất hiện khoảng 20 vết sưng màu nâu đỏ. Sau khi xét nghiệm, các bác sĩ kết luận cháu bé bị mắc bệnh đậu mùa khỉ nhưng không thể xác định được nguồn lây.
Tại châu Phi, bệnh đậu mùa khỉ ở trẻ em phổ biến hơn và các bác sĩ cũng ghi nhận tỉ lệ ca bệnh nặng và tử vong ở trẻ nhỏ cao hơn so với người lớn.
"Nguyên nhân có thể giải thích bởi người lớn đã được tiêm chủng ngừa bệnh đậu mùa khỉ khi họ còn nhỏ, do đó có khả năng chống lại virus đậu mùa khỉ liên quan" - tiến sĩ James Lawler nhận định. Việc tiêm phòng đậu mùa đã bị ngừng khi căn bệnh này tưởng chừng như đã được loại trừ khoảng 40 năm trước.
Bình luận (0)