Theo Reuters, nước Mỹ có khả năng bắt đầu khuyến nghị sử dụng vắc-xin Covid-19 giống như cách sử dụng vắc-xin cúm, tức tiêm hàng năm, sau mũi 4 hoặc mũi 5 bằng vắc-xin Covid-19 hai thành phần bắt đầu triển khai từ cuối tuần này.
Các mũi tiêm tăng cường sau mũi 4-5 cũng là vắc-xin hai thành phần. Kế hoạch được đưa ra song song với việc chấp thuận và triển khai hai loại vắc-xin hai thành phần, được bổ sung tính năng chuyên kháng Omicron của hai hãng dược Moderna và Pfizer.
Một người phụ nữ trên 50 tuổi ở Michigan - Mỹ nhận mũi tăng cường thứ 2 (mũi 4) vào đầu tháng 8 - Ảnh: REUTERS
Trước đó, các nhà khoa học Mỹ bao gồm nhóm nghiên cứu từ Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) nhận thấy vắc-xin kiểu cũ giảm sút tác dụng sau vài tháng cũng như hiệu quả ngừa lây nhiễm kém dần đi theo sự xuất hiện của các biến chủng phụ thoát miễn dịch của Omciron
Đó là nguyên nhân của việc các mũi tiêm tăng cường được chỉ định khá "dày". Nhưng với vắc-xin kiểu mới, nhiều chuyên gia đã kỳ vọng sẽ chỉ cần tiêm hàng năm như tiêm cúm là đủ duy trì miễn dịch.
Vào cuối tuần này, 90% Mỹ sẽ có thể tìm kiếm mũi 4 hoặc 5 "hai thành phần" trong bán kính 8 km từ nơi sinh sống, Bộ trưởng Bộ Y tế Mỹ Xavier Becerra cho biết tại một cuộc họp Nhà Trắng.
Giám đốc CDC Rochelle Walensky cho rằng ngay cả khi tỉ lệ nhập viện do Covid-19 giảm xuống, các mũi tiêm hàng năm vẫn sẽ cứu sống thêm hàng ngàn người.
Tước đó, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ - bác sĩ Anthony Fauci - cũng cho biết trừ khi có sự xuất hiện của một biến chủng mới quá khác biệt, việc tiêm chủng hàng năm sẽ đủ cung cấp bảo vệ cho mọi người, ngoại trừ một số nhóm dễ tổn thương có thể cần tiêm thường xuyên hơn. Ông cũng là một trong những người đầu tiên nêu ra ý kiến tiêm vắc-xin Covid-19 sau này sẽ như tiêm cúm.
Cũng trong ngày 6-9, các quan chức Liên minh châu Âu (EU) cũng khiến cáo 2 loại vắc-xin Covid-19 hai thành phần được Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) phê duyệt nên được triển khai đầu tiên ở nhóm nguy cơ cao bao gồm người trên 60 tuổi, suy giảm miễn dịch, người bệnh nền, người cư trú trong các cơ sở chăm sóc dài hạn, phụ nữ mang thai, nhân viên y tế và nhân viên trong các cơ sở chăm sóc dài hạn.
Ấn Độ phê duyệt vắc-xin Covid-19 "không kim tiêm" nội địa
Theo Medical Xpress, ngày 6-9 Ấn Độ đã thành quốc gia thứ 2 trên thế giới sau Trung Quốc phê duyệt một loại vắc-xin đạng hít.
Loại mà Ấn Độ phê duyệt là vắc-xin của hãng dược trong nước Bharat Biotech, đã từng có một loại vắc-xin dạng tiêm khác được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê duyệt vào tháng 11 năm ngoái.
Cơ quan quản lý dược phẩm của Ấn Độ đã phê duyệt khẩn cấp vắc-xin hít của hãng này để sử dụng như liều cơ bản cho những người trưởng thành đến nay vẫn chưa tiêm ngừa Covid-19 hoặc tiêm chưa đủ liều cơ bản, nhưng không sử dụng như liều tăng cường.
Thử nghiệm giai đoạn 3 của Bharat Biotech tiến hành trên 14 địa điểm khắp Ấn Độ đã xác nhận độ an toàn của vắc-xin dạng hít này là tương đương với các loại vắc-xin khác.
Trước đó, Trung Quốc là quốc gia đầu tiên phê duyệt vắc-xin dạng hít, cũng là sản phẩm nội địa mang tên CanSino.
Bình luận (0)