xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Năm 2004, giá vàng và USD sẽ biến động theo hướng nào?

Thúy Anh thực hiện

Năm 2003 - một năm đầy biến động đối với thị trường tiền tệ - vừa trôi qua với kết quả là: Đồng USD mất giá hơn 20% so với euro và nhiều đồng tiền mạnh khác; giá vàng tăng tới 26,6%... Vấn đề đang được nhiều người quan tâm: Năm 2004 này diễn biến giá sẽ ra sao? Chúng tôi trao đổi với ông Trương Văn Phước, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối Ngân hàng Nhà nước VN, và ông Nguyễn Thành Long, Phó Tổng Giám đốc thứ nhất Công ty Vàng bạc - Đá quý TPHCM (SJC)

Đồng USD phục hồi?

. Phóng viên: Thưa ông, ngay trong tháng đầu tiên của năm 2004, giá đồng USD vẫn tiếp tục trồi, sụt thất thường. Đây là dao động nhất thời hay là xu hướng thời gian tới?

- Ông Trương Văn Phước: Thị trường luôn luôn là lĩnh vực có nhiều bất ngờ rất khó tiên liệu. Thị trường tiền tệ, một lĩnh vực thường bị chi phối bởi yếu tố đầu cơ rất cao, càng khó xác định... Dẫu vậy, theo tôi, trong một vài tháng tới đồng USD vẫn trồi, sụt phức tạp, nhưng lâu dài hơn đồng tiền này sẽ phục hồi, tăng giá trở lại so với nhiều đồng tiền khác. Sau một thời gian dài liên tục mất giá, đã đến lúc các nhà chiến lược kinh tế phải tính toán đến khả năng tăng trưởng trở lại của đồng USD.

. Ông có thể nói rõ hơn về những điều kiện có thể thúc đẩy sự tăng trưởng trở lại của đồng tiền này?

- Năm 2003 đồng USD đã mất giá nghiêm trọng trước nhiều đồng tiền mạnh khác. Chẳng hạn so với đồng euro đã mất giá hơn 20%, một tỉ lệ mà một năm trước ít ai có thể nghĩ tới. Nếu so tỉ giá hiện nay, lúc cao nhất, 1 euro ăn 1,277 USD, với giữa năm 2001, lúc đồng euro yếu nhất (1 euro chỉ ăn 0,82 USD) sẽ càng thấy mức độ mất giá của đồng USD là đáng lo ngại. Lý do thì có nhiều, song theo các nhà kinh tế quốc tế, có một số lý do chính là: Do thâm hụt cán cân thương mại nghiêm trọng nên Mỹ chủ trương một đồng USD yếu để tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa Mỹ, từ đó giải quyết những khó khăn về kinh tế, việc làm. Yếu tố thứ hai là tự thân nền kinh tế Mỹ năm 2003 vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn, lãi suất USD thấp cũng làm suy yếu sức hấp dẫn của đồng tiền này. Và một nguyên nhân nữa là tình hình an ninh chính trị thế giới diễn biến phức tạp khiến lòng tin của giới đầu tư giảm dẫn đến bán USD mua vàng làm giá vàng tăng cao, đồng USD giảm mạnh.

Ngược lại, một đồng tiền quá yếu cũng sẽ làm mất uy tín của nền kinh tế quốc gia cho nên các nhà kinh tế đã phân tích sớm muộn Mỹ cũng sẽ có những biện pháp để vực dậy đồng USD, vấn đề là thời gian. Các nước châu Âu, Nhật Bản cũng đã tỏ ra không muốn đồng euro và đồng yen tăng giá mãi vì bất lợi cho xuất khẩu nên chắc chắn họ cũng sẽ có nhiều biện pháp đối phó. Dự trữ ngoại tệ của nhiều quốc gia hiện nay rất lớn (chủ yếu là USD) họ cũng không ngồi nhìn đồng USD yếu mãi... Những động thái này sẽ góp phần phục hồi đồng USD. Tuy nhiên, như trên đã nói, đồng USD mạnh hay yếu phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khách quan mà không lường trước được. Do đó mọi dự đoán có thể bị đảo lộn khi có những biến động lớn về kinh tế, chính trị, an ninh thế giới, những yếu tố đã tác động rất mạnh đến thị trường tiền tệ thế giới thời gian qua.

. Năm 2003, tỉ giá USD trong nước tăng 1,58%. Theo ông, mức tăng này có hợp lý? Chính sách tỉ giá năm 2004 sẽ được thực hiện như thế nào?

- Năm 2003 tỉ giá USD so với VNĐ tăng 1,58% là hợp lý và trong tầm kiểm soát. Do đồng tiền của ta chưa phải là đồng tiền chuyển đổi nên việc xác định tỉ giá chưa thể theo một công thức cố định được mà sắp tới sẽ vẫn tiếp tục xác định trên cơ sở cân đối từ các tín hiệu của thị trường tiền tệ thế giới và trong nước, như: Giá đồng USD so với các đồng tiền mạnh khác, vấn đề lãi suất, yếu tố lạm phát và cán cân xuất nhập khẩu v.v... Quan điểm chung là xây dựng một tỉ giá uyển chuyển, linh hoạt, kích thích  sản xuất, có lợi cho xuất khẩu.

Bấp bênh giá vàng

. Phóng viên: Năm 2003 là một năm đầy biến động đối với thị trường vàng. Trong hàng loạt nguyên nhân được các nhà phân tích đưa ra, từ thực tế kinh doanh, theo ông đâu là nguyên nhân chính?

- Ông Nguyễn Thành Long: Giá vàng tăng hay giảm thường là do nhiều nguyên nhân cộng hưởng. Và mỗi đợt tăng hay giảm giá đều có những nguyên nhân chính khác nhau. Tuy nhiên, có một vấn đề rất đáng quan tâm là tâm lý đầu tư vào vàng, kinh doanh vàng đang tăng trở lại.

Sau xu hướng phi tiền tệ hóa vàng khiến giá vàng liên tục giảm của nhiều năm trước, bắt đầu từ năm 2002 đến nay vàng lại trở thành công cụ đầu tư an toàn và sinh lợi cho các nhà đầu tư trong tình hình kinh tế - chính trị thế giới có nhiều yếu tố bất ổn. Năm 2003, thị trường vàng thế giới có nhiều biến động phức tạp. Từ thời điểm chiến tranh Iraq, hoạt động đầu cơ vàng bùng phát đã nhanh chóng đẩy giá vàng tăng vọt vượt qua mức cản 400 USD/ounce và có lúc lên đến gần 430 USD/ounce, cao nhất trong hơn 8 năm qua. Ngoài nguyên nhân tăng giá do đồng USD suy yếu, giá vàng tăng do tâm lý lo ngại về nạn khủng bố, nguy cơ chiến tranh leo thang ở nhiều khu vực... nên nhiều người chuyển sang mua vàng, cất giữ vàng.

. Nước ta là nước nhập khẩu vàng, vì vậy giá vàng trong nước tăng, giảm theo giá thế giới là bình thường. Thế nhưng trong thời gian qua rất nhiều thời điểm giá vàng trong nước tăng vọt, cao hơn giá thế giới đến trên dưới 200.000 đồng/lượng. Đây có phải là hiện tượng đầu cơ, làm giá?

- Năm 2003, giá vàng trong nước tăng 26,6%, đây là chỉ số tăng giá đạt mức kỷ lục tính từ năm 1991 đến nay. Và nếu so với đầu năm 2000, hiện giá vàng trong nước đã tăng 56%. Diễn biến giá vàng trong nước chủ yếu tăng theo giá thế giới nhưng vẫn có thời điểm biến động bất ổn bởi cung - cầu và mãi lực của thị trường nội địa. Chẳng hạn vào thời điểm quý IV/2003, giá vàng tăng vọt, người dân lại mua vàng ồ ạt hơn do thời điểm này có nhiều yếu tố tác động tâm lý như vụ ACB, việc phát hành thêm một số loại tiền mới, tình trạng khan hiếm nguồn vàng nguyên liệu (giá vàng thế giới quá cao các doanh nghiệp không dám nhập khẩu)... Đây cũng là thời điểm Ngân hàng Nhà nước đã phải cấp quota nhập bổ sung và xuất USD dự trữ bán cho các ngân hàng thương mại và các công ty kinh doanh vàng để nhập khẩu vàng nhằm bình ổn giá.

Việc kinh doanh vàng bạc hiện nay bị sức ép cạnh tranh rất lớn. Nhiều chủ trương về quản lý kinh doanh vàng đã khá cởi mở, đơn giản hóa thủ tục nhập khẩu nên các doanh nghiệp đều có điều kiện mở rộng thị phần. Hàng loạt ngân hàng thương mại với lợi thế là vốn lớn gần đây cũng đã tăng cường tham gia vào hoạt động nhập khẩu và kinh doanh vàng... Vì vậy vấn đề làm giá, thao túng giá, nếu có cũng khó có thể thực hiện được.

. Xung quanh vấn đề dự báo giá vàng trong thời gian sắp tới, hiện đang có rất nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

- Hiện nay có 2 xu hướng dự báo về giá thế giới. Một số nhà phân tích cho rằng giá vàng năm 2004 sẽ vẫn tiếp tục tăng cao. Cơ sở họ đưa ra là: Tình hình kinh tế - chính trị thế giới tiếp tục bất ổn với 5 nguy cơ tiềm ẩn: Dịch SARS (kể cả các dịch bệnh khác), USD biến động phức tạp, chiến tranh thương mại, xung đột quân sự và nguy cơ khủng bố. Các nguy cơ này sẽ làm cho thị trường vàng thế giới biến động mạnh, ảnh hưởng đến thị trường vàng trong nước. Trong các dự báo gần nhất, giá vàng thế giới có khả năng tăng lên 450 USD - 500 USD/ounce; vàng sẽ tiếp tục được coi là vật chuẩn để bảo đảm giá trị tài sản và đầu tư sinh lời...

Ngược lại, cũng có nhiều ý kiến dự báo giá vàng giảm. Cơ sở dự báo là: Nhiều khả năng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ can thiệp vào thị trường ngoại hối bằng cách tung euro để mua vào USD hoặc giảm lãi suất để giảm giá euro; nền kinh tế Mỹ có dấu hiệu phục hồi, Mỹ sẽ bất ngờ tăng lãi suất khiến đồng USD mạnh lên, các nhà đầu tư sẽ bán vàng chuyển sang mua USD hoặc đầu tư vào chứng khoán... Và đặc biệt là tháng 9-2004 sẽ là thời điểm hết hạn của Hiệp định Washington, nhiều khả năng các ngân hàng trung ương châu Âu có thể sẽ tăng lượng vàng bán ra thị trường vì không còn bị lệ thuộc vào các cam kết trước đó... Hàng loạt mỏ vàng ở Nga, Nam Phi đóng cửa mấy năm trước khi giá vàng dưới 300 USD/ounce, nay cũng đã mở cửa khai thác trở lại nên nguồn cung sẽ tăng lên...

Dù dự báo theo hướng nào, các nhà phân tích đều cho rằng tình hình kinh tế - chính trị thế giới hiện đang tiềm ẩn rất nhiều bất ổn. Do đó, chỉ một sự kiện xảy ra là mọi dự báo dù có cơ sở đến mấy cũng sẽ bị đảo lộn. Đó chính là sự phức tạp của diễn biến giá vàng năm 2004.

Diễn biến giá vàng từ đầu năm 2003 đến nay

Thời điểm

Giá thế giới  (USD/ounce)

Giá bán trong nước (đồng/chỉ)

Đầu tháng 1-2003

345,0

637.000

Đầu tháng 2

370,0

680.000

Đầu tháng 3

350,2

662.000

Đầu tháng 4

336,0

648.000

Đầu tháng 5

342,3

642.000

Đầu tháng 6

362,5

665.000

Đầu tháng 7

346,5

663.000

Đầu tháng 8

354,9

665.000

Đầu tháng 9

377,5

690.000

Đầu tháng 10

385,1

712.000

Đầu tháng 11

384,5

738.000

Đầu tháng 12

398,5

781.000

Đầu tháng 1-2004

417,5

791.000

Ngày 29-1-2004

410,7

786.000

 

Diễn biến giá đồng euro so với USD

Thời điểm

Giá 1 euro so với USD

Giá 1 euro so với đồng VN

Đầu tháng 1-2003

1,0470 USD

16.262 đồng

Đầu tháng 2

1,0796

16.732

Đầu tháng 3

1,0797

16.702

Đầu tháng 4

1,0926

16.959

Đầu tháng 5

1,1239

17.476

Đầu tháng 6

1,1775

18.492

Đầu tháng 7

1,1515

18.002

Đầu tháng 8

1,1230

17.532

Đầu tháng 9

1,0977

17.140

Đầu tháng 10

1,1680

18.259

Đầu tháng 11

1,1623

18.291

Đầu tháng 12

1,2022

18.903

Đầu tháng 1-2004

1,2552

19.744

Ngày 29-1-2004

1,2635

19.934

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo