Nhiễm liên cầu khuẩn lợn gây nhiều biến chứng nguy hiểm
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương), bệnh nhân Đ.V.T. (32 tuổi, Hà Nội) được đưa vào bệnh viện ngày 18-11 trong tình trạng nguy kịch, toàn thân nổi ban hoại tử và phải đặt máy thở, dùng thuốc vận mạch, trợ tim và truyền máu ngay.
Bệnh nhân được chẩn đoán mắc liên cầu khuẩn lợn, kèm theo các biểu hiện nhiễm trùng huyết có sốc nhiễm trùng nặng, suy gan, suy thận và chảy máu dạ dày rất nguy kịch.
Theo người thân của bệnh nhân T., trước đó một số người làm việc ở trang trại nuôi lợn phát hiện có con lợn sữa chết. Nghĩ rằng có thể lợn con chết do lợn mẹ đè phải nên đã làm thịt con lợn sữa này ăn.
Bác sĩ Cấp cho biết khi nhiễm liên cầu khuẩn lợn, bệnh sẽ diễn biến cực kỳ nhanh chóng, suy đa phủ tạng. Nếu đến muộn thì cơ hội cứu chữa rất thấp. Với bệnh nhân T., việc nhiễm liên cầu khuẩn có thể do quá trình tiếp xúc, giết mổ lợn mang vi khuẩn bệnh hoặc do ăn thịt lợn không được nấu chín, nhưng không phải ai tiếp xúc với lợn mang mầm bệnh cũng nhiễm bệnh.
Bác sĩ Cấp cho biết thời gian ủ bệnh của liên cầu khuẩn lợn có thể từ vài tiếng đến 4 - 5 ngày, tùy theo cơ địa mỗi người. Khi nhiễm liên cầu khuẩn lợn, người bệnh có biểu hiện sốt nóng, sốt lạnh, đi ngoài khiến nhiều người lầm tưởng với các rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm thông thường. Người bệnh cũng có biểu hiện tri giác lơ mơ, li bì hôn mê, bệnh nhân sốc tụt huyết áp, xuất hiện các ban hoại tử trên da do nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ vì liên cầu lợn.
Không chỉ nguy kịch tính mạng, căn bệnh này cũng để lại nhiều di chứng. Điển hình là tình trạng giảm thính lực (khoảng 40% bệnh nhân), thậm chí có nhiều trường hợp bị điếc vĩnh viễn. Hơn nữa người bị mắc bệnh rồi vẫn có thể tái mắc ở các lần sau khi tiếp xúc với mầm bệnh mà không có phương tiện phòng hộ hoặc ăn tiết canh và thịt lợn tái, sống.
Bình luận (0)