xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nạn nhân của trà Tam Diệp và thuốc giảm béo tố cáo

Y tế cộng đồng.- Sau những điều tra ban đầu của Báo Người Lao Động, dư luận báo chí cả nước đồng loạt lên tiếng về loạn thuốc, trà giảm béo nhất là ở Hà Nội và TPHCM. Nạn nhân của những loại trà, thuốc này tiếp tục đến báo tố cáo những tác hại mà họ gánh chịu, đề nghị thông tin rộng rãi và đặt câu hỏi: Cho đến khi nào các cơ quan chức năng vào cuộc?

Nhật ký điều trị của tiến sĩ - bác sĩ Lê Thúy Tươi - Viện Y Dược học dân tộc TPHCM

Bà P.T.T, 58 tuổi, Q.3, TPHCM: Uống trà Tam Diệp 2 ngày, tiêu chảy 38 lần, cấp cứu khẩn "Khi đọc thấy quảng cáo tác dụng của trà Tam Diệp như “thể trọng giảm rõ  rệt, những đường cong sẽ gợi cảm hơn”, “ăn no ngủ kỹ, giảm béo nhẹ nhàng”, “hiệu quả ngay từ ngày uống đầu tiên”..., tôi thấy hay quá đã mua luôn 6 hộp trà với số tiền là 1,5  triệu đồng.

Ngay sau khi uống tôi bị đi tiêu liên tục, tổng số lần đi tiêu trong ngày là 20 lần. Ngày thứ 2, khi đi tiêu đến lần thứ 18, tôi thấy choáng váng, khó thở, môi khô... Đến tối, tôi đã phải đi cấp cứu vì bị mất quá nhiều nước".

 

Chị T.T.M, 38 tuổi, Q. 5,TPHCM: Uống trà Tam Diệp, viêm ruột cấp "Uống trà Tam Diệp, ngày đầu tiên đi tiêu 18 lần, mỗi lần đi như “tháo nước”. Ngày thứ 2 tôi đi ra nhiều chất nhầy, xét nghiệm phân ở Bệnh viện 30-4 được chẩn đoán là viêm ruột cấp và tôi phải nằm viện điều trị".

 

Dư luận báo chí

Báo Phụ Nữ TPHCM, ngày 19-6-2002

Bà Huỳnh Thị Dung (số 015 lô 6, chung cư Thanh Đa, Q. Bình Thạnh:

Uống trà Tam Diệp đi không nổi, phải chống gậy

"... Đọc quảng cáo, lại tin rằng “Được Cục Quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm Bộ Y tế cho phép lưu hành, số ĐKCL: YT-136/01” (in trong tờ bướm) là chất lượng đã được đảm bảo, nên bà Huỳnh Thị Dung, 74 tuổi (cao 1,5 m, nặng 71 kg) đã nhờ chồng đi mua loại trà giảm béo Tam Diệp tại một trong những địa chỉ ghi trên tờ bướm, là siêu thị Citimart Saigon (đường Hai Bà Trưng, Q.1). Theo hướng dẫn cách dùng in trên nhãn phụ, mỗi ngày bà dùng một gói, cho đến ngày 24 thì hết chịu nổi! Bà kể: “Vị trà thơm ngon, dễ uống, nhưng uống xong là bụng quặn đau, muốn “đi ngoài” ngay lập tức. Nhiều lần tôi đã phải bỏ dở công việc, chạy nhanh vào nhà vệ sinh, nhưng có khi cũng không kịp... Có đêm tôi chạy đến 6 - 7 lần, đến nỗi không dậy nổi, ông nhà tôi phải làm cái gậy cho tôi chống hoặc dìu tôi đi”...

 

Nhật ký tòa soạn Báo Người Lao Động, sáng 30-7-2002

Ngưng thuốc nửa năm vẫn còn đau đớn

Sau khi đọc loạt tin, bài cảnh báo về thuốc giảm béo, sáng 30-7, chị Phạm Thị Phương Trang (ngụ tại 313 lô XI, cư xá Thanh Đa, quận Bình Thạnh) - một nạn nhân của thuốc giảm béo Fenfluramini -  đã đến tòa soạn Báo NLĐ để bày tỏ sự bức xúc của mình. Chị Trang cho biết theo lời người quen giới thiệu chị đã uống đến 10 lọ Fenfluramini (mỗi lọ 60 viên) ròng rã suốt mấy tháng. Kết quả là mắt chị mờ dần, tay chân lạnh buốt, thấy thức ăn là sợ. Những cơn nhức đầu thường ập đến, có lúc nhức đến mức ngồi dậy không nổi, thường ngáp vật vã như người nghiện. Không chỉ riêng chị Trang, gia đình chị còn có người uống Fenfluramini và kết quả là nằm liệt giường không dậy nổi.

Sau mấy tháng uống thuốc, bị tác dụng phụ của thuốc hành hạ, vật vã, đau đớn nhưng chỉ giảm được 3 kg, chị Trang quyết định bỏ thuốc. Chuyện không đơn giản, chị Trang nghi rằng thuốc có chất gây nghiện bởi khi ngưng uống thì chị bị ngáp, buồn ngủ nhiều hơn. Mặc dù đã ngưng thuốc nửa năm nay nhưng đến bây giờ thỉnh thoảng chị vẫn bị những cơn đau đầu hành hạ, dù uống thuốc giảm đau như Panadol vẫn không thuyên giảm. Chị Phương Trang cũng nhắn gửi đến bạn đọc hãy tránh xa các thuốc giảm béo nếu không có chỉ định của bác sĩ.

 Vẫn chưa có quyết định cấm lưu hành trà Tam Diệp

(NLĐ) - Dư luận báo chí trong nhiều tháng qua đã lên tiếng cảnh báo về những tác hại của nhiều loại thuốc giảm béo, trong đó có trà Tam Diệp (Người Lao Động, Tuổi Trẻ, Phụ Nữ, Thanh Niên, Lao Động, VTV, HTV...).

Số lượng nạn nhân được ghi nhận bởi các bác sĩ, bệnh viện cũng đang ngày càng tăng thêm.

Thế nhưng, cho đến thời điểm này, 30-7-2002, các cơ quan chức năng vẫn chưa có quyết định cấm lưu hành trà Tam Diệp. P.V

 

Người quản lý ngồi... chờ “lương tâm” của người kinh doanh!

... “Trà Tam Diệp là thuốc - thực phẩm được quảng cáo quá mức, nội dung có tính lừa bịp người tiêu dùng (Báo Tuổi Trẻ, 20-7-2001 cũng đã đặt vấn đề) thế nhưng cho đến nay, một năm trôi qua, không một cơ quan quản lý nào trực thuộc Bộ Y tế đứng ra chấn chỉnh.

Tháng hành động vì Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (15-4 đến 15-5-2002) được Bộ Y tế, Cục Quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm triển khai với nội dung: “Người sản xuất, kinh doanh thực phẩm có lương tâm”, thì câu hỏi xin đặt ra cho lương tâm người quản lý: Vì sao Bộ Y tế vẫn phớt lờ và ngồi chờ... “lương tâm” của người kinh doanh? Trong khi hàng ngàn người tiêu dùng đã phải bỏ ra số tiền lớn để mua lấy những lời quảng cáo lừa bịp!  (Báo Tuổi Trẻ, ngày 9-5-2002)

 

***

 

 Các tiến sĩ chuyên khoa y, dược khẩn thiết cảnh báo

 

Tiến sĩ - dược sĩ Nguyễn Hữu Đức, Trường Đại học Y Dược TPHCM:

Không có chuyện "ăn no ngủ kỹ" vẫn "giảm béo nhẹ nhàng"

Nếu uống bất kỳ loại trà nào mà có những biểu hiện khác thường như tiêu chảy nhiều, dễ dẫn tới tình trạng mất nước thì không nên sử dụng nữa. Không loại trừ, có những loại trà quảng cáo là có tác dụng giảm mập nhưng không ghi hết thành phần, lại ngầm chứa một chất nào đó thì sẽ rất nguy hiểm cho người sử dụng. Ngoài những nguyên nhân gây béo phì về bệnh lý như rối loạn nội tiết, rối loạn chuyển hóa thì nguyên nhân gây béo phì chủ yếu là do thừa năng lượng, ăn nhiều năng lượng nhưng lại không có sự vận động thích hợp. Do vậy, cách tốt nhất để điều trị bệnh béo phì vẫn là chế độ ăn uống và vận động hợp lý. Cơ chế thông thường của các loại thuốc giảm béo hiện nay vẫn là làm chán ăn và mất ngủ. Thế giới cũng đang nghiên cứu để tìm ra một loại thuốc tốt nhất điều trị bệnh béo phì mà ít gây phiền toái nhất cho người sử dụng, chứ đâu có thuốc điều trị bệnh béo phì nào  thần kỳ đến độ bệnh nhân được “ăn no ngủ kỹ" mà vẫn “giảm béo nhẹ nhàng” như một số trà được quảng cáo!

 

Tiến sĩ - bác sĩ Lê Thúy Tươi - Viện Y dược học Dân tộc TPHCM:

Cách điều trị của trà Tam Diệp sẽ ảnh hưởng tim mạch, dẫn đến tử vong nếu...

Người mập thường có tâm lý rất mặc cảm khi phải đến bác sĩ điều trị  nên họ thường tự mua thuốc uống, nếu lỡ không dùng được thì âm thầm bỏ đi chứ không hề khiếu nại. Nắm được đặc điểm tâm lý này, các nhà sản xuất thuốc, trà đã quảng cáo hết cỡ. Tờ quảng cáo trà giảm béo Tam Diệp chứa những mâu thuẫn trong cách quảng cáo cũng như cách dùng thuật ngữ, chẳng hạn như “trà phổ nhĩ” (một trong những thành phần của trà Tam Diệp), trong khi được quảng cáo là “có tác dụng chủ yếu đối với những chỗ tích mỡ như bụng, eo, mông, đùi... tức là giảm béo có định hướng, không những hiệu quả giảm cân rõ rệt mà còn có tác dụng đặc biệt nổi bật là tạo vóc dáng đẹp” nhưng lại ghi chú ý “trà này không có tác dụng thay thế thuốc điều trị”. Đặc biệt và tạo ấn tượng hơn cả là dòng chữ in đậm “Ăn no ngủ kỹ, giảm béo nhẹ nhàng”. Nhưng thực tế, qua những lời bệnh nhân kể, trà chỉ giảm mập bằng cách làm cho người uống đi tiêu rất nhiều lần. Điều trị bằng cách này, cơ thể dễ bị mất nước, rối loạn chuyển hóa chung trong cơ thể, ảnh hưởng đến tim mạch và nếu không cấp cứu kịp thời có thể xảy ra tử vong. Với những tác dụng thực như vậy, trà Tam Diệp chỉ nên dùng như một loại thuốc nhuận tràng mà dân gian thường gọi là thuốc xổ (giá một lọ thuốc xổ hiện nay khoảng 8.000 đồng/lọ).

Thùy Dương ghi

 

 **

*

 

Tiến sĩ Hoàng Thủy Tiến - Chánh Văn phòng Cục Quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm:

 

"Chúng tôi từng buộc hủy toàn bộ số tờ rơi quảng cáo trà Tam Diệp"

. Phóng viên: Thưa ông, quy định hiện nay về quản lý những sản phẩm thực phẩm - thuốc như thế nào?

- Tiến sĩ Hoàng Thủy Tiến: Từ cuối năm 2001, vấn đề này đã bắt đầu rộ lên với việc một số đơn vị tung ra thị trường loại trà Tam Diệp và quảng cáo như một thần dược giúp giảm béo. Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 20/2001/TT-BYT ngày 19-11-2001 phân định rõ thuốc - thực phẩm và thực phẩm - thuốc. Nếu là “thực phẩm - thuốc” thì do Cục Quản lý chất lượng VSATTP quản lý. Còn “thuốc - thực phẩm” thì do Cục Quản lý Dược chịu trách nhiệm. Cũng theo quy định thì sản phẩm thuốc - thực phẩm phải được nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng cho kết quả tốt mới được Cục Quản lý Dược cấp đăng ký lưu hành.

img Thế còn các sản phẩm thực phẩm - thuốc được coi là thực phẩm?

- Ban đầu những sản phẩm này do Cục Quản lý chất lượng VSATTP quản lý, cấp phép. Tuy nhiên, từ khi có Pháp lệnh Chất lượng hàng hóa và đặc biệt từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 19/2000/QĐ-TTg ngày 8-2-2000, việc cấp phép này bị bãi bỏ vì được coi là “giấy phép con trái với Luật Doanh nghiệp”. Từ đó, các doanh nghiệp (DN) muốn bán sản phẩm chỉ cần làm thủ tục “Công bố chất lượng” với cục mà không được chứng nhận điều kiện đảm bảo chất lượng như trước đây.

img Vậy cơ quan nào phải chịu trách nhiệm nếu sản phẩm đã “công bố chất lượng” gây hại cho người tiêu dùng?

- Người phải chịu trách nhiệm chính là DN. Bởi vì trong hồ sơ công bố chất lượng họ đã cam kết như vậy. Các cơ quan quản lý chỉ vào cuộc khi có khiếu kiện của người tiêu dùng.

Trước đây, khi còn thực hiện việc cấp số đăng ký, cứ một năm phải “gia hạn đăng ký”. Điều này đồng nghĩa với việc phải chứng minh đủ điều kiện bảo đảm chất lượng sản phẩm. Còn nay, sau khi “công bố chất lượng sản phẩm” DN công bố một lần với cơ quan quản lý, “không hẹn ngày trở lại”.

img Nói như vậy có nghĩa là muốn quản lý được chất lượng sản phẩm thực phẩm thì cần phải khôi phục những “giấy phép con” đó?

- Không hoàn toàn là như thế. Việc “công bố chất lượng” và “công nhận lẫn nhau” là một xu thế của thế giới. Tuy nhiên, thế giới thực hiện việc này khi hệ thống pháp luật của họ đã đồng bộ. Nhiều nước vẫn thực hiện việc cấp số đăng ký và chứng nhận đạt tiêu chuẩn bảo đảm chất lượng. Còn ở ta thì đã loại bỏ hết các thủ tục để đảm bảo chất lượng, trong khi  hiện chưa có Luật Thực phẩm, chỉ dựa vào Pháp lệnh Chất lượng hàng hóa và các quy định khác về VSATTP. Mà pháp lệnh này đã ban hành khá lâu nhưng vẫn chưa có các văn bản hướng dẫn cụ thể. Sắp tới, Pháp lệnh VSATTP cùng nghị định quy định chi tiết việc thi hành pháp lệnh này được ban hành thì việc quản lý thực phẩm sẽ chặt chẽ hơn.

img Như vậy quy định “Thực phẩm là hàng hóa kinh doanh có điều kiện” thực chất đã bị vô hiệu hóa?

- Chưa hẳn đúng là như vậy. Thực tế là việc kinh doanh các dịch vụ thú y, bảo vệ thực vật... hiện vẫn nằm trong những điều kiện cụ thể. Riêng đối với các sản phẩm thực phẩm cho con người thì lại gần như là không. Trước đây, một trong những điều kiện  khi sản xuất, kinh doanh thực phẩm là phải tổ chức học tập kiến thức vệ sinh và khám sức khỏe định kỳ cho người lao động để xem họ có mắc các bệnh về truyền nhiễm, dễ lây qua đường thực phẩm hay không, có đủ kiến thức tối thiểu về VSATTP không? Còn nay việc này không bắt buộc nên các DN thường bỏ qua hoặc làm rất ít.

Nếu theo đúng quy định là kinh doanh thực phẩm phải có điều kiện thì sẽ có cái được phép, cái hạn chế và cái cấm. Tuy nhiên, theo quy định hiện nay thì chưa ai được phép đứng ra làm những việc đó. Thậm chí muốn vào các cơ quan sản xuất kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là liên doanh, công ty 100% vốn nước ngoài để kiểm tra VSATTP cũng gặp nhiều khó khăn. Chỉ đến khi xảy ra sự cố, ví dụ là ngộ độc thực phẩm thì họ mới gọi ngành y tế đến giải quyết hậu quả cấp cứu cho bệnh nhân.

img Nhiều ý kiến cho rằng vấn đề nổi cộm nhất trong việc quản lý thực phẩm - thuốc hiện nay là tình trạng quảng cáo bừa bãi?

- Đúng là có tình trạng quảng cáo vượt quá công dụng thật của sản phẩm. Khi nói đến vấn đề quảng cáo thực phẩm - thuốc, nhiều người đặt ra trách nhiệm của cơ quan quản lý thực phẩm. Đúng là trong quyết định thành lập Cục Quản chất lượng VSATTP, có quy định việc “phối hợp” với các tổ chức liên quan của Bộ Văn hóa Thông tin quản lý thông tin quảng cáo liên quan đến thực phẩm đặc biệt. Nhưng nếu phía Bộ Văn hóa Thông tin không hỏi ý kiến cục thì cũng đành chịu vì không có quy định nào “buộc phải có ý kiến của Cục Quản lý chất lượng VSATTP” mới được cấp phép quảng cáo.

img Đã có lần nào cơ quan quản lý xử lý DN công bố chất lượng sản phẩm thực phẩm - thuốc vượt quá thực tế?

- Cuối năm 2001, Cục Quản lý chất lượng VSATTP đã thông báo cho Thanh tra Y tế Hà Nội thanh tra về việc quảng cáo sản phẩm trà giảm béo Tam Diệp. Kết quả là DN bị xử phạt 1 triệu đồng và phải hủy toàn bộ số tờ rơi quảng cáo còn lại.

img Nếu sản phẩm trà giảm béo gây tai biến ở TPHCM thì cơ quan nào làm nhiệm vụ xử lý?

- Cục Quản lý chất lượng VSATTP cũng không có trách nhiệm làm việc này. Nếu các tai biến xảy ra thì các cơ quan thanh tra y tế địa phương sẽ trực tiếp làm việc. Trường hợp có vấn đề phức tạp, nghiêm trọng thì thanh tra bộ mới vào cuộc. Khi đã xem xét đủ và thấy đúng là họ vi phạm những cam kết chất lượng gây hậu quả nghiêm trọng thì chuyển các cơ quan như công an, kiểm sát và tòa án xử lý. Nếu vi phạm nhẹ thì xử phạt hành chính.

Minh Nghĩa thực hiện

 

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo