Hiện nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phân ra hơn 300 loại rối loạn tâm thần và hành vi như sa sút tâm thần, rối loạn tâm thần sau chấn thương sọ não hay viêm não, các rối loạn tâm thần do sử dụng rượu và ma túy, tâm thần phân liệt, rối loạn hoang tưởng, các loại rối loạn khí sắc như trầm cảm, hưng cảm, rối loạn cảm xúc lưỡng cực... Bên cạnh đó còn có các loại rối loạn lo âu, các rối loạn ăn uống như chứng chán ăn tâm thần, chứng ăn vô độ hoặc là các rối loạn giấc ngủ như chứng mất ngủ, ngủ nhiều, ác mộng, mộng du... Đa số các loại rối loạn này sẽ khỏi hay ổn định nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, chỉ có một tỉ lệ rất thấp (khoảng 2%) là diễn tiến ngày càng nặng dần.
Không phải tất cả các loại bệnh tâm thần đều gây ra hành vi bạo lực hay giết người mà chỉ có một tỉ lệ rất thấp trong số các bệnh lý tâm thần nặng như tâm thần phân liệt, trầm cảm nặng, nghiện rượu hay ma túy, rối loạn nhân cách chống đối xã hội... mới gây ra hành vi đáng tiếc trên. Do đó, thay vì sợ hãi bệnh nhân thì những người thân của các bệnh nhân tâm thần nên đưa họ đến bác sĩ tâm thần để được điều trị thích hợp.
Giúp người bệnh thích ứng với cuộc sống
Cho đến nay, người ta đã phát minh ra rất nhiều loại thuốc mới ngày càng hiệu quả hơn, càng ít tác dụng phụ hơn để điều trị các loại triệu chứng tâm thần khác nhau. Ngoài ra, việc phát triển các hình thức điều trị tâm lý đa dạng cũng góp phần không nhỏ vào hiệu quả điều trị. Thay vì tập trung bệnh nhân tâm thần trong những bệnh viện chuyên khoa thật lớn và đặt xa những nơi đông dân cư thì hiện nay bệnh nhân tâm thần sẽ được điều trị chủ yếu là ngoại trú trong cộng đồng. Vì vậy, họ vẫn được sống trong môi trường quen thuộc và thân thương của gia đình, mỗi tháng đến các bác sĩ chuyên khoa để được theo dõi và điều trị. Chỉ những bệnh nhân rơi vào trường hợp bệnh khó, cần chẩn đoán chính xác mới phải nhập viện vì sự an toàn của bệnh nhân và người chung quanh (bệnh nhân muốn tự tử, đe dọa giết người...) nhưng cũng chỉ trong vài tuần. Ngoài ra, các bác sĩ còn hướng dẫn cho bệnh nhân các phương pháp phục hồi chức năng nhằm giúp bệnh nhân thích ứng đến mức cao nhất đối với cuộc sống gia đình và xã hội. Tại một số phòng khám tâm thần quận huyện có tổ chức hình thức bệnh viện ban ngày. Tại đây, bệnh nhân được tập hợp thành từng nhóm nhỏ và được hướng dẫn tham gia các hoạt động giải trí như đánh cờ, xem tivi, nghe nhạc, đọc báo hoặc tham gia các hoạt động nghề nghiệp đơn giản như thêu, may... Hình thức điều trị bệnh tâm thần trong cộng đồng như trên sẽ giúp bệnh nhân cảm thấy mình vẫn là một thành viên trong gia đình, trong cuộc sống xã hội.
Riêng đối với một số ít bệnh tâm thần như tâm thần phân liệt, trầm cảm mãn tính... cần uống thuốc đều trong thời gian rất dài (nhiều năm) để tránh tái phát.
Bình luận (0)