Thời điểm mùa xuân chuyển sang mùa hạ, nhất là những ngày nắng nóng khó chịu như tuần qua ở khu vực TPHCM và các tỉnh phía Nam là lúc cơ thể rất dễ mắc nhiều bệnh, đặc biệt là trẻ nhỏ và người cao tuổi. Vì thế, chúng ta rất cần học cách kiểm soát và phòng tránh các bệnh do nắng nóng.
Tránh ra đường lúc nắng gắt
Đầu tiên phải kể đến các bệnh về đường tiêu hóa, nhất là tiêu chảy. Tiêu chảy khiến cơ thể mất nước và dẫn đến suy kiệt rất nhanh và là bệnh chủ yếu do ăn phải thức ăn nhiễm độc hoặc nhiễm khuẩn. Ăn uống không hợp vệ sinh, không chịu rửa tay trước khi ăn, ăn thức ăn ôi thiu, thức ăn do hàng quán bán dọc lề đường che đậy không kỹ, uống phải nước đá nhiễm khuẩn… là những lý do rất dễ gây ra tiêu chảy. Khi mắc bệnh, bệnh nhân thường đau bụng, đi ngoài nhiều lần, phân nhiều nước, nôn oẹ. Có trường hợp mất nước và chất điện giải, không cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Bệnh ban đỏ da cũng là bệnh khá phổ biến vào lúc nắng nóng, do da phơi lâu trong nắng dễ làm tắc hoặc nở to tuyến mồ hôi dẫn đến dễ vỡ, tạo mụn nước nhỏ trên da. Để phòng tránh, chúng ta cần mặc quần áo rộng che cả người, tránh ra đường lúc nắng gắt.
Nắng nóng nên chúng ta thường đổ mồ hôi nhiều, hơi nóng làm dãn nở các mạch máu ngoại vi khiến lượng máu trở lại tim và lên não bộ bị giảm đồng thời dẫn đến cơ thể thiếu nước nên rất dễ gặp tình trạng ngất xỉu. Ngất xỉu thường xảy ra ở những người phải lao động ngoài trời nắng trong thời gian dài (thợ xây dựng, công nhân cầu đường, vận động viên, nông dân…) hoặc thường phải di chuyển nhiều. Để phòng ngừa bị ngất, nên tìm mọi cách hạn chế tối đa việc để cơ thể phải phơi nắng quá lâu, khi cảm thấy mệt mỏi hoặc tim đập nhanh, nên vào ngay chỗ có bóng mát để nghỉ ngơi và uống nhiều nước.
Cảm nắng cũng dễ tử vong
Cảm nắng cũng thường xảy ra trong điều kiện thời tiết như hiện nay ở miền Nam. Nguyên nhân là do cơ thể tiếp cận với sức nóng quá lâu mà khả năng điều hòa thân nhiệt của cơ thể không thích nghi được. Các triệu chứng của cảm nắng là nhiệt độ cơ thể tăng cao (có thể lên đến 41 độ C), đổ nhiều mồ hôi, da nóng và khô, huyết áp giảm…
Nên nhớ cảm nắng có thể gây tổn thương não bộ, hôn mê, thậm chí tử vong. Để phòng ngừa cảm nắng, đơn giản là không cố gắng quá sức khi làm việc giữa trời nắng. Nếu có triệu chứng choáng váng, muốn ngất thì dừng công việc ngay và nghỉ ngơi trong bóng mát.
Cũng như cảm nắng, say nắng là trường hợp cấp cứu. Nếu say nắng nhẹ, người bệnh có thể sốt 38-39 độ C; cảm giác khó thở, mỏi mệt như sắp ngất, mặt đỏ; mạch máu ở cổ, thái dương đập mạnh; các động tác chậm chạp, thiếu chính xác. Nếu say nắng nặng, ngoài những triệu chứng nói trên, bệnh nhân còn nhức đầu nhiều, chuột rút, đau bụng, nôn mửa, tim đập nhanh và có thể ngất, ngừng thở... Lưu ý là say nắng có thể xảy ra rất đột ngột khiến người đang làm việc bình thường bỗng ngất xỉu và ngã tại chỗ, co giật, mê man... Đây là trường hợp nặng, rất dễ tử vong.
Chữa cảm nắng hay say nắng Trong đông y có một số bài thuốc đơn giản chữa cảm nắng, say nắng: Bài 1: Rửa sạch một nắm lá hương nhu (khoảng 50 g) rồi giã nát cùng 1 g muối ăn. Sau đó, cho vào 150 ml nước đun sôi để nguội, khuấy đều rồi lọc lấy nước, uống hết một lần. Sau khi uống từ 2-3 giờ, nếu bệnh nhân vẫn còn mệt, khát nước thì nên cho uống thêm một lần nữa. Bài 2: Rửa sạch 30 g lá hương nhu, 30 g lá tre. Cho vào ấm sắc với 300 ml nước và 3 lát gừng tươi. Khi còn chừng 200 ml nước, chắt lấy nước cho bệnh nhân uống hết một lần. Bài 3: Nguyên liệu cũng như bài thứ 2 nhưng không sắc với gừng mà là với rau má tươi và củ sắn dây, mỗi thứ 12 g. Người lớn uống hết một lần, mỗi ngày uống 2 lần như thế. Với ba bài thuốc nói trên, nếu dùng cho trẻ em thì tùy theo độ tuổi lớn nhỏ để gia giảm liều lượng cho tương ứng.
Bình luận (0)