xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nắng nóng: Người già, trẻ em đổ bệnh

Nguyễn Thạnh - Anh Thư

Người lớn tuổi và trẻ nhỏ có thể phải đối diện với một số bệnh nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài

Theo TS-BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 (TP HCM), những ngày qua, số lượng bệnh nhân đến thăm khám chưa có biến động nhiều. Tuy nhiên, trong thời tiết nắng nóng, việc thực hiện các biện pháp bảo vệ trẻ khi ra ngoài trời, cẩn thận chuyện ăn uống để tránh bệnh đường tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm (trời nóng, thực phẩm dễ ôi thiu)... là rất cần thiết.

Trẻ nhỏ: hô hấp, tiêu hóa, nhiễm siêu vi

Hiện ở BV này, nhóm bệnh mà các bé đến khám và điều trị nhiều nhất vẫn là nhóm bệnh hô hấp, sau đó là các bệnh đường tiêu hóa và nhiễm siêu vi theo mùa.

BS Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV Nhi Đồng TP HCM, cho rằng một số bệnh ở trẻ em sẽ có nguy cơ gia tăng nếu thời tiết nắng nóng kéo dài. Nắng nóng sẽ tạo điều kiện cho nhiều loại vi khuẩn phát triển và tấn công trẻ. Nắng nóng cũng khiến trẻ bị mất nước, mệt mỏi, từ đó dễ bị tác động hơn khi tiếp xúc với mầm bệnh.

Theo BS Tiến, thời điểm này hằng năm vẫn là “mùa” của nhiều căn bệnh nhiễm siêu vi và năm nay cũng không ngoại lệ. Khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 5 là một trong 2 giai đoạn cao điểm của bệnh tay chân miệng. Một số trẻ khác phải đến BV vì bệnh thủy đậu, quai bị... tuy không nhiều nhưng cũng cần phải chú ý nếu con bạn chưa từng mắc hoặc chưa từng chủng ngừa (quai bị, thủy đậu là bệnh chỉ mắc 1 lần trong đời hoặc có thể được phòng ngừa thông qua tiêm chủng).

Theo cảnh báo của các bác sĩ nhi khoa, mô hình bệnh tật tại đa số các quốc gia khác cũng như các vùng miền khác cho thấy bệnh hô hấp có đỉnh cao nhất vào mùa lạnh, mùa đông (dịp cuối năm, đầu năm). Trong khi đó, tại khu vực TP HCM và các tỉnh phía Nam, bệnh hô hấp có chiều hướng gia tăng trong thời tiết nắng nóng. Thói quen dùng quạt máy, máy lạnh có thể giải thích phần nào hiện tượng này. “Những ngày trời nóng, cả nhà khi đi ngủ thường mở máy lạnh ở nhiệt độ rất thấp, bật quạt máy thật mạnh để chống nóng. Tuy nhiên, nửa đêm về sáng, thời tiết trở lạnh hơn nhiều và nếu nhiệt độ phòng vẫn quá thấp hay quạt máy vẫn quá mạnh thì có thể khiến trẻ bị nhiễm lạnh. Bên cạnh đó, sự chênh lệch nhiệt độ quá lớn khi ở trong phòng và không gian bên ngoài cũng có thể tác động xấu đến trẻ” - BS Tiến lý giải.

Theo các chuyên gia, phòng bệnh trẻ em trong mùa nắng không nằm ngoài các nguyên tắc: sử dụng máy lạnh, quạt máy ở chế độ hợp lý; giữ vệ sinh an toàn thực phẩm; vệ sinh nhà cửa để phòng ngừa các mầm bệnh. Ngoài ra, BS Nguyễn Minh Tiến đặc biệt lưu ý phụ huynh một điều khá đơn giản: chuẩn bị nước hợp vệ sinh cho trẻ lúc ra ngoài để kịp thời bù nước khi cần thiết. Bởi lẽ, nếu có chế độ dinh dưỡng hợp lý, không bị mất nước, được tăng cường thêm nước hoa quả, sinh tố thì các bé sẽ có cơ thể khỏe mạnh hơn, sức đề kháng cũng tăng lên để chống lại bệnh tật.

Chờ khám bệnh cho trẻ tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) trong những ngày nắng nóngẢnh: Hoàng Triều
Chờ khám bệnh cho trẻ tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) trong những ngày nắng nóngẢnh: Hoàng Triều

Tai biến mạch máu não tăng 10%

Trong khi đó, ghi nhận tại các BV lớn trên địa bàn TP cho thấy số người đến khám bệnh tăng so với ngày thường khoảng trên 10%, trong đó nhiều nhất là nhóm người già và trẻ em. Tại BV Nhân dân 115

TP HCM, nếu ngày thường tiếp nhận trung bình khoảng 3.500-4.000 bệnh nhân khám ngoại trú thì trong những ngày nắng nóng vừa qua, con số này tăng thêm 10%. Tại khoa cấp cứu của BV, số bệnh nhân cũng tăng từ khoảng 300 ca vào ngày thường lên 350 ca hiện nay. TS-BS Nguyễn Đình Phú, Phó Giám đốc BV Nhân dân 115, cho biết trong số bệnh nhân được đưa vào khám, cấp cứu, nhiều nhất là bệnh về tiêu hóa, huyết áp, tim mạch, hen suyễn. Đặc biệt, số bệnh nhân bị tai biến mạch máu não, đột quỵ vào thời điểm này cũng tăng thêm 10%.

BS Lê Trung Nhân, Trưởng Khoa Khám bệnh BV Chợ Rẫy, cho biết trong những ngày nắng nóng đang diễn ra, dù số người bệnh đến khám chưa biến động nhiều nhưng nhập viện cấp cứu thì đã có sự gia tăng. Số liệu giao ban cho thấy tại Khoa Cấp cứu BV hiện mỗi ngày tiếp nhận khoảng 300 trường hợp. Theo BS Nhân, ngoài những người nguy cơ về tụt huyết áp, tim mạch, cần đề phòng tình trạng đột quỵ ở người cao tuổi.

Chia sẻ quan ngại, ThS-BS Âu Thanh Tùng, Trưởng Khoa Khám bệnh BV Đại học Y Dược TP HCM, cũng cho biết những bệnh gia tăng trong mùa nắng nóng thường là các bệnh mạn tính, huyết áp, tim mạch và hay rơi vào nhóm người cao tuổi.

Người lớn tuổi cần cẩn thận

BS Trương Quang Anh Vũ, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp BV Thống Nhất, cảnh báo người lớn tuổi là đối tượng có thể dễ dàng bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi thời tiết. Thứ nhất là hiện tượng “say nắng” với biểu hiện choáng váng, tụt huyết áp, thậm chí muốn ngất. Say nắng thường có nguyên nhân chủ yếu là mất nước khi bị đổ mồ hôi nhiều lúc ra đường. Nếu người lớn tuổi đang mang trong mình các căn bệnh như tiểu đường, bệnh tim mạch... thì những bệnh này có nguy cơ trở nặng.

“Người lớn tuổi khi đi ra đường tốt nhất nên chuẩn bị các biện pháp chống nắng (nón, áo khoác...) để tránh ánh nắng trực tiếp tác động lên cơ thể, chuẩn bị nước để tránh hiện tượng cơ thể mất nước. Lúc ở nhà, khi thời tiết nóng, gia chủ thường sử dụng máy lạnh, quạt máy ở cường độ cao. Nhưng nếu trong gia đình có người cao tuổi thì phải cân nhắc bởi người lớn tuổi khả năng chịu lạnh kém hơn người trẻ, khả năng thích nghi với sự chênh lệch nhiệt độ trong và ngoài phòng cũng kém hơn. Khi sử dụng máy lạnh, nên để ở nhiệt độ 25-26 độ C là phù hợp nhất” - BS Vũ khuyến cáo.

Coi chừng tai nạn trẻ em

Trời nóng, trẻ em thích nghịch nước cũng có thể dẫn đến các tai nạn đáng tiếc nếu phụ huynh không theo dõi sát. Sáng 13-4, BV Nhi Đồng 1 đã tổ chức họp báo để thông báo về một ca tử vong vì té vào thau nước, qua đó, một lần nữa cảnh báo về tai nạn ngạt nước ở trẻ em. Bệnh nhi này mới 10 tháng tuổi, được chuyển đến từ BV Hóc Môn, sau khi đặt nội khí quản và hồi sức hơn 30 phút. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, bé đã tím tái, trụy mạch, thiếu ôxy não rất nặng và qua đời sau 2 ngày chiến đấu với tử thần trong Khoa Hồi sức tích cực - chống độc của BV này.

Dự báo nóng gắt tiếp tục đến giữa tháng 5

Ông Lê Đình Quyết, Phó Phòng Dự báo Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam Bộ, cho biết dự báo từ đây đến giữa tháng 5-2017, nóng gắt vẫn diễn ra ở mức 35-36 độ C. Xen kẽ các đợt nóng sẽ xuất hiện nhiều cơn mưa có giông, sét, gió giật mạnh. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người dân mà đặc biệt là trẻ em.

“Buổi trưa, nếu người dân đi trên đường tiếp xúc trực tiếp với nắng, sẽ có cảm giác nhiệt độ cao hơn bản tin dự báo khí tượng từ 1,7-2,5 độ C do bức xạ nhiệt từ mặt đường” - ông Quyết thông tin. Ông khuyến cáo người dân cần trang bị quần áo chống nắng, kính mát để bảo vệ da và mắt vì thời điểm này, cường độ bức xạ mặt trời rất mạnh, bức xạ tia tử ngoại cao.

L.Phong

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo