Chào đời khi mới 27 tuần tuổi, nặng 600 g, bé trai con của sản phụ N.T.H (ngụ Tiền Giang) bị viêm ruột, viêm đường hô hấp. Qua quá trình điều trị tích cực, sau 1 tháng bé đã có thể thở khí trời. Đặc biệt, bé được nuôi bằng nguồn sữa từ ngân hàng sữa mẹ ở Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM) nên chỉ sau 10 ngày, tình trạng viêm ruột của bé cải thiện dần. Hiện bé đã khỏe mạnh và xuất viện.
Giảm 20% tử vong ở trẻ sinh non
Đây cũng chỉ là một trong rất nhiều trường hợp sinh non tháng được cứu sống tại Bệnh viện Từ Dũ. Bác sĩ Nguyễn Thị Từ Anh, Trưởng Khoa Sơ sinh của Bệnh viện Từ Dũ, cho biết theo thống kê, cứ 10 bé được sinh ra thì có 1 bé sinh non. Mỗi năm tại khoa tiếp nhận và điều trị cho hàng ngàn trẻ sơ sinh non tháng. Đối với các trường hợp sinh non, sữa mẹ là nguồn thức ăn và cũng được xem như là liều thuốc để giúp các bé này có thể vượt qua được các biến chứng như viêm phổi, viêm ruột hoại tử, thủng tạng rỗng, nhiễm trùng huyết…
Tuy nhiên, không phải người mẹ nào cũng có thể có sữa cho con bú, các nguyên nhân thường gặp là do mẹ bị bệnh hoặc đang dùng thuốc điều trị. Vì vậy, năm 2019, bệnh viện thành lập ngân hàng sữa mẹ. Sau 3 năm hoạt động, đến nay tổng số lượng sữa thô nhận được là hơn 22,2 triệu ml sữa mẹ. Nhờ nguồn sữa hiến tặng đã giảm 20% tử vong ở trẻ sinh non. Đặc biệt với những trẻ sinh non ở tuần thứ 25-26, tỉ lệ được nuôi sống là 10%-20%. Với sự hỗ trợ của ngân hàng sữa mẹ tại đây, trẻ sinh quá non tháng được trao nhiều cơ hội sống hơn.
Không còn ca tử vong do viêm ruột hoại tử
Theo bác sĩ Từ Anh, với trẻ sinh non, các cơ quan trong cơ thể chưa trưởng thành, hệ miễn dịch còn kém nên bé phải đối mặt với nhiều nguy cơ về bệnh lý, trong đó 2 nguy cơ cao nhất là hô hấp và tiêu hóa, đặc biệt dễ bị nhiễm khuẩn khi phải nuôi ăn bằng đường tĩnh mạch. Do đó, khi sử dụng sữa mẹ đối với trẻ sơ sinh sinh non và sơ sinh bệnh lý không đơn thuần là nguồn dinh dưỡng mà còn là giải pháp để giảm nguy cơ viêm ruột hoại tử. Đây là bệnh lý gây tử vong hàng đầu ở trẻ sinh non.
Bác sĩ Từ Anh dẫn chứng nếu năm 2018, tại khoa có 617 ca viêm ruột hoại tử thì đến năm 2021, khi số trẻ được sử dụng sữa mẹ thanh trùng tăng lên, thì giảm xuống chỉ còn 83 ca. Đặc biệt, từ 8 ca tử vong do viêm ruột vào thời điểm năm 2018 thì đến năm 2021 không có ca tử vong nào. Không chỉ vậy, khi trẻ được dùng sữa mẹ thanh trùng sẽ giảm tỉ lệ tử vong ở trẻ sinh cực non (26-28 tuần) từ 48 ca xuống còn 28 ca.
"Sử dụng sữa công thức làm tăng nguy cơ viêm ruột hoại tử lên gấp 3 lần trong khi trẻ sinh non sử dụng sữa mẹ hoàn toàn thì viêm ruột hoại tử giảm nhiều lần. Bên cạnh đó, việc sử dụng sữa mẹ giảm sử dụng kháng sinh mạnh, giảm nhiễm khuẩn huyết sơ sinh, cải thiện tỉ lệ tử vong cùng với nhiều biện pháp can thiệp" - bác sĩ Từ Anh cho biết.
Kỹ thuật viên xử lý sữa mẹ hiến tặng tại ngân hàng sữa mẹ ở Bệnh viện Từ Dũ
Không chỉ vậy, ngân hàng sữa mẹ của Bệnh viện Từ Dũ cũng mở rộng cung cấp sữa cho các đơn vị hồi sức tích cực sơ sinh tại các bệnh viện nhi đồng trên địa bàn TP HCM và Bệnh viện Quốc tế Phương Châu (Cần Thơ) hỗ trợ điều trị hàng ngàn trẻ sinh non.
Với lợi ích to lớn từ sữa mẹ mang lại, mới đây, Bệnh viện Hùng Vương (TP HCM) cũng vừa đưa vào hoạt động ngân hàng sữa mẹ. Đây là ngân hàng thứ 2 tại TP HCM và thứ 4 trên cả nước chuyên nhận sữa mẹ hiến tặng nhằm hỗ trợ, điều trị giúp giảm tỉ lệ tử vong ở trẻ sinh non.
Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, cho biết tại Khoa Sơ sinh của bệnh viện, số trẻ sinh non tăng dần qua từng năm. Năm 2021, tại khoa điều trị cho khoảng 5.200 trường hợp và cần khoảng 12.000 lít sữa nhưng chỉ có 5,5% là sữa mẹ, phần lớn phụ thuộc vào sữa công thức. Do đó, việc thành lập ngân hàng sữa mẹ tại bệnh viện sẽ là liều thuốc đặc biệt giúp tăng cường khả năng sống sót cho nhóm trẻ sơ sinh bệnh nặng gồm trẻ sinh non, trẻ nhẹ cân, trẻ bệnh lý hoặc trẻ mồ côi, trẻ nhiễm Covid-19.
Lượng sữa hiến bảo đảm an toàn
Sinh con non tháng tại Bệnh viện Hùng Vương, chị Phạm Thị Thu Trang phải nằm viện liên tục 2 tháng để được các bác sĩ chăm sóc và điều trị. Sẵn đang có nguồn sữa không sử dụng hết, chị hiến tặng cho ngân hàng sữa mẹ, tính đến nay đã hơn 13 lít. "Là một người mẹ có con sinh non tôi hiểu được tầm quan trọng của sữa mẹ đối với trẻ, đặc biệt sẽ rút ngắn thời gian điều trị cho các con. Đây là hoạt động ý nghĩa nên tôi cũng mong các bà mẹ nếu dư sữa thì hãy hiến cho bệnh viện" - chị Trang nói.
Theo bác sĩ Từ Anh, để nhận sữa hiến tặng từ các bà mẹ, bệnh viện phải theo quy trình bảo đảm an toàn. Trước hết, phải sàng lọc các bà mẹ tình nguyện cho sữa có đủ điều kiện hay không. Sau đó, các bà mẹ phải được xét nghiệm các bệnh lý truyền nhiễm, không có các hành vi nguy cơ như hút thuốc lá, uống rượu, dùng các thuốc ảnh hưởng đến sữa mẹ, từng được truyền máu, xăm trổ… Cuối cùng các bà mẹ được hướng dẫn cách vắt sữa bảo đảm vô trùng. Sữa hiến tặng được xét nghiệm trước khi và sau khi đưa vào máy thanh trùng. Trước khi thanh trùng sữa được lấy mẫu xét nghiệm và sau thanh trùng tiếp tục được lấy mẫu xét nghiệm lần 2, khi sữa đạt chất lượng mới đem ra sử dụng.
Ngân hàng sữa mẹ là hoạt động phi lợi nhuận. Tuy nhiên, người sử dụng nguồn sữa từ ngân hàng sữa mẹ sẽ phải trả một khoản phí như xét nghiệm, thanh trùng sữa... đủ để bù đắp cho quy trình xử lý, bảo quản từ sữa thô đến sữa thành phẩm.
Rất cần nguồn sữa mẹ hiến tặng
Theo bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, ngân hàng sữa mẹ ở Bệnh viện Hùng Vương có công suất thanh trùng 62 lít sữa/ngày, có thể cung cấp được sữa mẹ cho tất cả trẻ sơ sinh non tháng, bệnh lý, trẻ có mẹ bị bệnh nặng không thể thực hiện được nuôi con bằng sữa mẹ. "Dù năng suất cao nhưng nếu không có nguồn sữa hiến tặng sẽ rất khó khăn. Do đó, tôi mong các chị em phụ nữ vừa sinh con cùng chung tay góp sức, cống hiến cho ngân hàng sữa mẹ để chúng ta cùng nhau giảm tỉ lệ bệnh tật, tử vong của trẻ sơ sinh đặc biệt là các bé bệnh tật, non tháng" - bác sĩ Tuyết kêu gọi.
Các bà mẹ có nhu cầu hiến sữa hoặc nhận sữa có thể liên hệ qua số điện thoại 0918.305.959 (gặp bác sĩ Nga) để được hỗ trợ.
Bình luận (0)