xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ngăn ngừa bệnh vàng da ở trẻ

TS Nguyễn Đình Nguyên (Sydney – Úc)

Tùy mức độ nhẹ hay nặng, trẻ bị vàng da bệnh lý có thể bị từ tổn thương cơ mắt, thị lực đến giảm sức nghe hoặc điếc, rối loạn vận động hoặc thiểu năng trí tuệ

Vàng da sinh lý rất phổ biến, gặp đến 60% - 80% ở trẻ sơ sinh.  Đặc điểm nổi bật của vàng da sinh lý là xuất hiện muộn, sau khi sinh 2 đến 3 ngày. Đa số vàng da ở trẻ sơ sinh là hiện tượng bình thường nhưng cũng có trường hợp vàng da là do bệnh lý gây nên.

 

Nguy cơ gây tổn thương não

 

Có trẻ bị vàng da xuất hiện thời kỳ sơ sinh do nhiều nguyên nhân và bệnh lý khác nhau, làm tăng cao lượng bilirubin. Bệnh lý này có thể xuất hiện rất sớm, ngay sau sinh. Nhưng trong vòng 24 giờ sau khi sinh, hàng rào bảo vệ bộ não của trẻ sơ sinh chưa được hoàn thiện, mặt khác chức năng gan cũng chưa đủ tốt để thải nhanh bilirubin. Vàng da sơ sinh bệnh lý nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể đưa đến biến chứng nguy hiểm là tổn thương não lâu dài và nặng hơn là tử vong sơ sinh. Biến chứng nặng của vàng nhân não là một dị tật não suốt đời, tùy mức độ nhẹ hay nặng, và biểu hiện rất đa dạng từ tổn thương cơ mắt, thị lực đến giảm sức nghe hoặc điếc, cũng có thể rối loạn vận động hoặc thiểu năng trí tuệ... và nguy hiểm nhất là trẻ có thể tử vong ngay trong kỳ sơ sinh.

img
Trẻ vàng da được chiếu đèn điều trị tại Khoa Sơ sinh Bệnh viện Từ Dũ TPHCM. Ảnh:N. Phương

Một loại vàng da khác xuất hiện sớm nhưng thời gian kéo dài hơn thời gian của vàng da sinh lý, tức là sau 2 tuần mà mức độ vàng da không giảm, lại còn vàng hoặc vàng hơn, tổn thương này thường do bệnh lý gan - mật.

Còn ở trẻ vàng da sinh lý, ngoài biểu hiện da vàng, trẻ không có một dấu hiệu bất thường nào khác, trẻ vẫn bú, ngủ ngoan. Vàng da xuất hiện đầu tiên ở mặt, rồi có thể tăng dần lên, lan toàn thân, sau đó nhờ gan thanh lọc nên vàng da giảm dần và hết sau khoảng 1-2 tuần. Các biện pháp làm tăng quá trình thải nhanh bilirubin là cho trẻ bú mẹ tuyệt đối, bú nhiều lần trong ngày và phơi nắng sáng. Mỗi buổi sáng khi mặt trời mới lên, nếu là mùa ấm, nên cởi bỏ bớt quần áo trẻ, cho trẻ ra ngoài phơi nắng 5-10 phút. Làm điều này sẽ giúp giảm vàng da nhanh hơn.

 

Phát hiện sớm để tránh biến chứng

 

Vàng da bệnh lý nếu phát hiện kịp thời, đem trẻ đến bệnh viện thì có thể điều trị và ngăn ngừa được các biến chứng. Các bà mẹ cần phải theo dõi trẻ sau khi sinh bằng cách xem trong ngày đầu tiên, có xuất hiện vàng da hay không. Không nên trùm bọc kín trẻ và khi xem nên xem ngoài ánh sáng trời. Vàng da xuất hiện sớm nhất ở vùng dưới lưỡi của trẻ, sau đó mới đến trên mặt, lan toàn thân, có thể cả tròng trắng của mắt.

Nếu trẻ có vàng da trong ngày đầu tiên (24 giờ) sau khi sinh hoặc trong vòng 2-3 ngày sau sinh có các triệu chứng đi kèm như  không chịu bú, lơ mơ hoặc ngủ lịm, khó đánh thức, khóc thét, nhũn người hoặc co giật, người cong như con tôm cổ ngửa ra sau, hoặc sốt là những biểu hiện sớm của vàng nhân não, phải đem trẻ đi bệnh viện gấp. Cần chú ý kỹ hơn ở những trẻ sinh non, thiếu tháng và trẻ có anh chị đã từng có biểu hiện vàng da nặng. Ngoài ra, nếu trẻ vàng da kéo dài hơn hai tuần không giảm thì cũng phải đưa trẻ đi khám để loại trừ bệnh lý gan - mật và các bệnh lý khác.

Có thể vàng da ứ mật vì viêm gan

Theo bác sĩ Hoàng Lê Phúc, Trưởng Khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM, vàng da kéo dài ở trẻ hơn 2 tuần tuổi thường là do bệnh lý, đặc biệt là các bệnh ở gan, có thể do trẻ bị teo đường mật bẩm sinh hoặc viêm gan hoặc bệnh lý nhiễm trùng bào thai gây ứ mật hay các bệnh lý rối loạn chuyển hóa... Những bệnh lý này cần được chẩn đoán và điều trị sớm, nhất là đối với bệnh teo đường mật bẩm sinh, cần phẫu thuật trước 3 tháng tuổi để tránh tình trạng ứ mật dẫn đến xơ gan. Người VN vẫn còn thói quen cho các bà mẹ và trẻ trong vòng tháng đầu sau sinh nằm trong buồng tối, có người hầu như không dám bước ra ánh sáng, đến ngày trẻ đầy tháng đem ra ngoài mới phát hiện vàng da.

Nhiều trường hợp trẻ vàng da được gia đình tự điều trị không thích hợp, khi đến bệnh viện thì quá muộn, trẻ đã bị suy gan, xơ gan. Dù không phải trẻ bị vàng da nào cũng có thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng việc chẩn đoán sớm và điều trị thích hợp có thể giúp tăng chất lượng cuộc sống, kéo dài đời sống của trẻ, chờ ghép gan. Để phát hiện sớm tình trạng vàng da, các bà mẹ không nên nằm buồng tối sau sinh, nên thường xuyên mang trẻ ra ánh sáng để quan sát, phát hiện kịp thời màu sắc bất thường của da. Những trẻ có tình trạng vàng da kéo dài hơn 2 tuần sau sinh nên đưa đến khám tại bệnh viện, không nên xem thường hoặc tự chạy chữa. Ngoài ra, cũng cần quan sát phân và nước tiểu của trẻ. Nếu trẻ bị vàng da có  tiêu phân bạc màu, phân trắng, tiểu vàng sậm dù đã uống đủ nước, cần phải đưa  trẻ đến bệnh viện để được khám và điều trị thậm chí khi trẻ trông khỏe mạnh, bụ bẫm.

N. Phương