Thông tin này cũng vừa được công bố tại hội thảo phòng chống bệnh đau bao tử, loét dạ dày tổ chức tại TPHCM. Nghiên cứu trên cũng cho thấy khuẩn HP hiện diện ở 75% ca bệnh loét dạ dày và 90% loét tá tràng. Tại các nước đang phát triển, 20%-40% trẻ nhiễm HP lúc 2 tuổi, 41%-80% nhiễm lúc 2-4 tuổi hoặc 4-6 tuổi và tỉ lệ nhiễm ở người lớn khoảng 80%-95 % . Nước ta thuộc vùng có tỉ lệ nhiễm HP rất cao với trên 70% ở người lớn và trên 39% ở trẻ nhỏ.
PGS-TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết hiện nay, khoảng 10% người dân các nước đang phát triển bị viêm loét dạ dày - tá tràng và tỉ lệ này tăng thêm 0,2%/năm.
Ở nước ta, trong những năm gần đây, tỉ lệ bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng chiếm khoảng 11%-15% dân số và có xu hướng gia tăng. Thực tế, tại các bệnh viện đa khoa ở TPHCM, lượng bệnh nhân đến khám và điều trị các bệnh về tiêu hóa, bao tử, dạ dày không ngừng tăng.
Nguyên nhân dẫn đến nhiễm HP và viêm loét dạ dày - tá tràng được khẳng định là do chế độ ăn uống không hợp lý (ăn quá nhiều chất kích thích, thức ăn quá chua hoặc quá cay, quá nóng; ăn thiếu dinh dưỡng kéo dài, ăn vội vàng, nhai không kỹ; rối loạn giờ giấc ăn uống thường xuyên như ăn không đúng bữa, không đúng giờ, ăn quá khuya hoặc lúc ăn quá no, lúc quá đói); nghiện rượu, nghiện thuốc lá. Lo lắng, sợ hãi, làm việc quá căng thẳng cũng có thể gây bệnh đau dạ dày - tá tràng. HP còn có thể lây qua miệng khi hôn nhau. Các nhà khoa học đã tìm thấy HP trong nước bọt, dịch miệng…
Các chuyên gia y tế cảnh báo dưới tác động của lối sống công nghiệp hiện nay, người dân thường ăn uống không điều độ, căng thẳng trong công việc… khiến tỉ lệ mắc bệnh loét dạ dày - tá tràng gia tăng. Về lâu dài, bệnh này diễn biến nặng, gây biến chứng xuất huyết tiêu hóa, thủng dạ dày, thậm chí dẫn đến ung thư nếu không được điều trị kịp thời.
Tuy vậy, việc phòng ngừa loét dạ dày - tá tràng là không quá khó. Theo ông Mikkel Jungersen, một chuyên gia về loét dạ dày - tá tràng đến từ Đan Mạch, để phòng chống khuẩn HP, ngoài việc nghỉ ngơi và lao động hợp lý, cần ăn uống điều độ, ăn nhiều thực phẩm giàu dinh dưỡng (sữa, trứng, đạm, rau củ quả), ăn chín uống sôi… để ngăn chặn vi khuẩn gây hại đường ruột HP tiến triển, kiểm soát bệnh đau bao tử, dạ dày.
Bình luận (0)