Chiều 24-3, TS. Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam cho biết sáng cùng ngày, bệnh nhân Hồ Văn Điều (57 tuổi; trú huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) đã dừng thở máy, có thể tự thở, sức khỏe ổn định. Đây là bệnh nhân cuối cùng cai thở máy trong số 3 bệnh nhân bị ngộ độc nặng sau khi ăn cá chép ủ chua.
Các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam cho biết sau khi hội chẩn với chuyên gia của Bệnh viện Chợ Rẫy, có thể 3 tuần mới có thể cho bệnh nhân Hồ Văn Điều ra viện, phòng biến chứng ngừng tim đột ngột (theo thời gian thải của độc tố Botulinum).
Bệnh nhân Hồ Thị Tài có thể xuất viện vào tuần tới
2 bệnh nhân bị ngộ độc nặng khác là Hồ Thị Tài (37 tuổi) và Hồ Văn Đại (26 tuổi) đã được rút máy thở cách đây 3 ngày. Dự kiến vào tuần sau, khi đủ thời gian và diễn biến lâm sàng tốt, bệnh viện sẽ cho 2 bệnh nhân này xuất viện.
Trước đó, như Báo Người Lao Động đã thông tin, từ ngày 6 đến ngày 16-3, trên địa bàn huyện Phước Sơn xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm khiến 10 người nhập viện. Trong đó, 1 người tử vong, 3 người nguy kịch, phải thở máy. Triệu chứng lâm sàng của các trường hợp này gồm: chóng mặt, đau bụng, khó thở, buồn nôn, nôn, tê chân, tê tay, nhìn mờ, mỏi cơ…
Những người bị ngộ độc trong cả 2 vụ đều là đồng bào dân tộc Giẻ Triêng. Món ăn nghi ngờ là cá chép làm chua. Đây là món ăn truyền thống của người dân, do gia đình tự chế biến từ cá chép, muối, cơm hoặc bột bắp, ớt…, sau đó ủ trong hủ kín khoảng một tuần.
Kết quả kiểm nghiệm mẫu thức ăn liên quan vụ ngộ độc thực phẩm hôm 7-3 tại thôn 2, xã Phước Đức, huyện Phước Sơn từ Viện Pasteur Nha Trang xác định mẫu cá chép làm chua dương tính với vi khuẩn Clostridium botulinum type E.
Bệnh nhân Hồ Văn Đại "trở về từ cõi chết"
Ngày 18-3, sau khi tiếp nhận thông tin từ Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy đã phân công 1 đội hỗ trợ đến trực tiếp Bệnh viện Đa khoa Khu vực Bắc Quảng Nam để cùng phối hợp điều trị bệnh nhân. Thành viên của đội gồm các chuyên gia đầu ngành về hồi sức cấp cứu, hồi sức chống độc và dược. Ngoài ra, đội hỗ trợ của Bệnh viện Chợ Rẫy còn đem theo 5 lọ thuốc Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) dùng giải ngộ độc tố Clostridium Botulinum. Đây là một loại thuốc rất hiếm, có giá lên tới hơn 6.000 USD/lọ.
Bình luận (0)