Liên quan đến vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ- bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.
Thưa bác sĩ, hiện có những hình thức ngộ độc nào? Người bị ngộ độc có những biểu hiện như thế nào?
Tiến sĩ – bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên: Ngộ độc thực phẩm là tình trạng bị trúng độc do ăn uống phải thực phẩm bị nhiễm độc, nhiễm khuẩn hoặc biến chất, chứa chất phụ gia hay chất bảo quản quá liều lượng, bị ôi thiu...
Hiện có 3 nhóm nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm gồm:
Thứ nhất, thực phẩm bị ô nhiễm vi sinh vật và các độc tố của vi sinh vật. Trong nhóm này phổ biến nhất vẫn là vi sinh vật gây bệnh qua đường tiêu hóa như Ecoli, Salmonella, lị… Đây cũng là nhóm nguyên nhân gây ngộ độc nhiều nhất ở nước ta, do việc chế biến, sử dụng thực phẩm mất vệ sinh;
Thứ hai, thực phẩm bị nhiễm các hóa chất do nuôi trồng, bảo quản, chế biến (ví như hóa chất bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản, phụ gia thực phẩm…) hoặc do yếu tố chủ đích – chủ động cho hóa chất vào thực phẩm để đầu độc nhau như cho asen - thạch tín, xyanua, thuốc diệt chuột.
Thứ ba, bản thân thực phẩm có độc (chất độc tự nhiên), ví dụ cá nóc, nấm…
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai
Những biểu hiện điển hình của ngộ độc thực phẩm, có thể: xuất hiện ngộ độc ngay khi đang ăn hoặc vừa ăn xong hoặc trong vòng vài giờ, vài ngày tùy theo yếu tố gây độc trong thực phẩm; có từ 2 người trở lên cùng có biểu hiện tương tự như nhau sau khi cùng ăn uống 1 loại thực phẩm nghi ngờ (người không cùng ăn uống sẽ không bị); thường có kết hợp các triệu chứng về đường tiêu hóa như đau bụng, nôn, đi ngoài.
Các biểu hiện điển hình của ngộ độc thực phẩm là gì, thưa bác sĩ?
Đau bụng là dấu hiệu thường gặp. Nếu bị đau bụng sau khi ăn thực phẩm nào đó thì nên thận trọng vì đây có thể là biểu hiện ngộ độc thực phẩm. Ngộ độc thực phẩm có thể khiến các sinh vật gây hại tạo ra độc tố làm kích ứng niêm mạc ruột và dạ dày. Đây là lý do gây viêm đau ở dạ dày và bị đau bụng.
Biểu hiện đau do co thắt cơ dạ dày xảy ra quanh ruột non hay vùng trên rốn là cách ống tiêu hóa tăng tốc độ chuyển động tự nhiên để loại bỏ sinh vật gây hại. Tuy nhiên chỉ xuất hiện đơn độc hiện tượng đau bụng thì chưa đủ căn cứ để kết luận ngộ độc thực phẩm vì biểu hiện này thường gặp ở nhiều tình trạng sức khỏe khác.
Người bị ngộ độc thực phẩm rất hay gặp tình trạng nôn và buồn nôn vì đó là phản ứng co bóp mạnh của cơ hoành và cơ bụng để tống chất có trong dạ dày qua đường miệng. Đây cũng là cơ chế bảo vệ tự nhiên của cơ thể khi loại bỏ những yếu tố mà nó cho là có hại.
Thực tế cho thấy nhiều người bị các cơn nôn kéo dài. Có những người sẽ giảm dần mức độ nôn nhưng có người lại nôn nhiều hơn. Tình trạng này rất dễ gây mất nước, khiến cơ thể bị suy kiệt nên cần được gặp bác sĩ để xử trí.
Ngoài ra, tiêu chảy là một trong các biểu hiện ngộ độc thực phẩm điển hình và phổ biến. Nếu bị đi ngoài phân lỏng trên 3 lần/24 giờ thì khả năng cao là ngộ độc. Đây là kết quả của tình trạng viêm đường ruột khiến quá trình hấp thu chất lỏng và nước của ruột trở nên kém hiệu quả.
Hiện tượng tiêu chảy thường đi kèm với cảm giác buồn nôn, nôn nhiều, muốn đi đại tiện, đau bụng, đầy hơi. Tần suất tiêu chảy nhiều dễ làm cơ thể mất nước, thiếu khoáng chất trầm trọng, tụt huyết áp. Một số trường hợp có sốt. Sự gia tăng nhiệt độ này khiến cho hoạt động của các tế bào bạch cầu tăng lên để chống lại nhiễm trùng.
Cần xử trí như thế nào khi gặp trường hợp bị ngộ độc?
Điều đầu tiên cần phải xác định ngay xem có nguy cơ cao rủi ro hay không biểu hiện qua triệu chứng rầm rộ, dai dẳng (đau liên tục không hết, không đỡ); mức độ đau, nôn, mệt mỏi, đi ngoài, biểu hiện thần kinh, đau ngực, lơ mơ, chếnh choáng…; Hoặc ngộ độc thực phẩm xảy ra trên những người bệnh bị suy giảm miễn dịch, trẻ em, người có thể trạng yếu, người có bệnh nền…
Khi bệnh nhân đau bụng, nôn, tiêu chảy… cách xử lý tại nhà dễ nhất là bù nước bằng oresol, uống nước canh cho muối, nước gạo cho thêm muối, uống theo nhu cầu. Đồng thời theo dõi nhiệt độ xem có sốt không. Trong trường hợp uống bù nước không đủ, uống xong lại nôn liên tục, cần đến ngay cơ sở y tế.
Ngành chức năng lấy mẫu xét nghiệm tại quán ăn các bệnh nhân nghi bị ngộ độc thực phẩm. Ảnh: Báo Bắc Kạn
Đối với ngộ độc có nhiều người mắc, hoặc ngộ độc đơn lẻ nhưng nặng, có thể do yếu tố hóa chất, độc tố tự nhiên, cần báo cơ quan y tế dự phòng hoặc cơ quan an toàn thực phẩm địa phương để có phương án xử lý kịp thời.
Cùng đó, gia đình, người chứng kiến cần giữ lại các mẫu thực phẩm nghi ngờ nhiễm độc để các bác sĩ có thể chẩn đoán nguyên nhân ngộ độc, có cách xử trí kip thời. Giữ lại chất nôn, chất thải để phục vụ nhu cầu kiểm nghiệm, xác định nguyên nhân gây ngộ độc.
Bình luận (0)