Phân tích dữ liệu từ hơn 222.000 người độ tuổi từ 45 trở lên, các nhà khoa học Úc phát hiện nguy cơ tử vong tăng đột biến ở những người ngồi lâu hơn 11 giờ mỗi ngày. Theo đó, những người ngồi từ 8-11 giờ có nguy cơ tử vong cao hơn đến 15% so với những người ngồi ít hơn 4 giờ mỗi ngày.
Tuổi thọ của họ chỉ có thể cải thiện nếu luyện tập thể chất thường xuyên. Tuy nhiên, người trưởng thành trung bình dành 90% thời gian rảnh rỗi để ngồi, chưa đến 50% trong số này đáp ứng được đề nghị của Tổ chức Y tế Thế giới là dành trung bình mỗi tuần 150 phút cho hoạt động thể chất.
Nghiên cứu này được công bố vào ngày 26-3 trên Tạp chí Archives of Internal Medicine. Các dữ liệu trên được thu thập như một phần của nghiên cứu Australia's 45 and Up – một nghiên cứu về sức khỏe người cao tuổi đang được tiến hành tại Úc.
Hidde van der Ploeg, một nhà nghiên cứu tại Đại học Sydney, cho biết: “Các bằng chứng khẳng định việc ngồi nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe đã được công bố nhiều năm qua. Tuy nhiên, nghiên cứu này đáng chú ý hơn bởi số lượng người tham gia đông đảo và đây là nghiên cứu đầu tiên đánh giá về tổng thời gian ngồi trong ngày”.
Theo tiến sĩ Suzanne Steinbaum, người phát ngôn của Hiệp hội Tim mạch Mỹ, ngày càng có nhiều người dành phần lớn thời gian bên bàn làm việc. Dân văn phòng không nên ngồi vào máy tính hay xem truyền hình sau khi tan sở. Bởi vì vượt qua mốc 8 giờ, những rủi ro về sức khoẻ sẽ tăng theo cấp số nhân.
Một số nơi làm việc tại Úc đang thử nghiệm mô hình làm việc theo kiểu kết hợp ngồi-đứng. Van der Ploeg nói sáng kiến này có thể là một lựa chọn cho nhiều văn phòng trong tương lai. Hãy phá bỏ thói quen hay ngồi thay vào đó hãy đứng hoặc đi bộ nhiều hơn có thể.
Bình luận (0)