Fluor vì thế rất quan trọng cho trẻ con trong giai đoạn răng sữa cũng như trong thời kỳ phát triển xương hàm. fluor cũng là khoáng tố quan trọng cho cả mọi đối tượng đã bước vào tuổi 50, nhất là phụ nữ lúc mãn kinh, vì khuynh hướng dễ bị xói mòn men răng và loãng xương do rối loạn nội tiết tố.
Trên lý thuyết, cơ thể khó thiếu fluor, vì khoáng tố này dồi dào trong hải sản, thịt, trà... Tập quán ăn trầu của người mình, vì thế là một biện pháp bảo vệ ngà răng. Dù vậy, trên thực tế cơ thể vẫn có thể thiếu fluor dù ăn uống đầy đủ, vì tiến trình hấp thu fluor tùy thuộc vào lượng chất vôi trong bữa ăn. Càng nhiều vôi, fluor càng dễ được hấp thu. Người chay trường vì thế dễ thiếu fluor.
Muốn đừng thiếu fluor thì nên tập dùng món trà pha sữa theo kiểu của người Anh, vì đó là hình thức phối hợp hoàn hảo để cung ứng fluor và vôi. Với răng, fluor không chỉ cần thiết để ngăn ngừa sâu răng mà còn có tác dụng tái tạo răng đã bị hư. Khoáng tố này vì thế rất cần thiết cho người thích ăn ngọt. Có lẽ vì thế mà người phương Đông có thói quen hễ ăn bánh kẹo thì uống trà để răng vẫn tốt.
Nhưng fluor chỉ tốt khi đúng liều lượng. Quá nhiều fluor khiến răng sẽ ngả màu nâu, hay tuy trắng nhưng nhám và dễ gãy, đặc biệt ở trẻ em. Thừa fluor ở người lớn thì không chỉ răng mà xương cũng mất cấu trúc bền chặt và dẫn đến loãng xương.
Tình trạng tích lũy fluor sẽ gây rối loạn nhiều phản ứng biến dưỡng cần thiết cho hoạt động của hệ thần kinh và nội tiết. Nạn nhân dễ bị rối loạn tiêu hóa, mất ngủ, háo động... Nguyên nhân thường gặp là do nước uống có quá nhiều fluor. Chính vì thế mà các loại nước khoáng, nước tinh khiết chỉ được phép chứa fluor với hàm lượng tối thiểu.
Phụ huynh nên lưu ý là cơ thể trẻ em rất dễ bị nhiễm độc fluor nếu trẻ nuốt phải kem đánh răng. Do đó, chọn kem đánh răng loại vừa thơm lại ngon ngọt hơn kẹo thì đúng là dễ dụ trẻ tích cực đánh răng nhưng đôi khi lại khiến trẻ mau hư răng hay quấy khóc suốt ngày vì nhiễm độc fluor, do kem đánh răng quá... ngon!
Bình luận (0)