Sự nghịch lý nêu trên được đưa ra tại cuộc mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới chống lao vừa được tổ chức tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (TP HCM). Khi tình trạng nhiêu khê trong khám chữa bệnh BHYT vẫn chậm được cải thiện thì nay, việc bệnh nhân nghèo không mặn mà tham gia BHYT là điều đáng suy ngẫm đối với các nhà làm chính sách.
TP HCM hiện có khoảng 13.000 bệnh nhân lao đang được điều trị. Một khảo sát thực hiện đầu năm 2015 của chương trình Phòng chống lao trên địa bàn TP đã ghi nhận trong số hơn 950 bệnh nhân lao thì 42% (khoảng 400 người) chưa có BHYT. Như vậy, với 13.000 người bệnh lao đăng ký điều trị tại 24 quận, huyện hằng năm thì ước tính khoảng 5.500 người không có thẻ này.
Vì sao những người mang bệnh với chi phí nặng nề không tham gia BHYT? Theo bác sĩ Đặng Minh Sang, Trưởng Phòng Chỉ đạo tuyến Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, trong các nguyên nhân được ghi nhận, ngoài 50% bệnh nhân chưa nhận thức được sự cần thiết của BHYT thì có đến 25% chưa hài lòng với chính sách này.
Cũng theo cuộc khảo sát, điều đáng lo ngại là phân nửa số người bệnh thuộc diện hộ nghèo không có BHYT cho rằng mua BHYT “không cần thiết” và nếu cần cũng “không biết nơi để mua”.
Theo bác sĩ Đặng Minh Sang, để BHYT đến với người bệnh lao, cần thực hiện 4 giải pháp. Theo đó, chính quyền, ngành y tế, các ban ngành, đoàn thể... đẩy mạnh truyền thông giáo dục về lợi ích của BHYT đối với cộng đồng. Ngành y tế - BHYT nên khảo sát thực tế việc thực hiện BHYT hiện nay để điều chỉnh các quy định sao cho thuận lợi cho người tham gia, trong đó có người bệnh lao. Chính quyền địa phương tạo điều kiện tốt cho người dân về các thủ tục hành chính như xác nhận hộ khẩu, nơi cư trú. Với những hộ nghèo không có khả năng mua BHYT, ngoài sự giúp đỡ của địa phương, cần khuyến khích việc kêu gọi hỗ trợ từ các nhà hảo tâm.
Bình luận (0)