Đây là lần thứ 6 liên tiếp hội thảo được tổ chức tại Việt Nam nhằm cập nhật cho các chuyên gia y tế tại Việt Nam về các xu hướng mới trong điều trị và dự phòng các bệnh lý tim mạch và các yếu tố nguy cơ. Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn tiến phức tạp trên toàn cầu, ACC 2020 được tổ chức dưới hình thức trực tuyến.
Tại hội thảo, GS-TS Đặng Vạn Phước, Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam, cho rằng bệnh tim mạch gồm các bệnh mạch vành (nhồi máu cơ tim), tai biến mạch máu não (đột quỵ), tăng huyết áp (cao huyết áp)… là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn cầu, cao hơn các nguyên nhân khác. Năm 2016, ước tính có 17,9 triệu người tử vong vì bệnh tim mạch, chủ yếu do nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Tại Việt Nam, hiện có 25% dân số mắc bệnh về tim mạch và tăng huyết áp, nhiều trường hợp chưa được phát hiện và điều trị kịp thời. Ngoài các nguyên nhân bẩm sinh, bệnh tim mạch là kết quả của các thói quen sinh hoạt, ăn uống không lành mạnh, lạm dụng rượu, bia hoặc gây ra bởi các biến chứng liên quan đến bệnh đái tháo đường.
Theo GS Đặng Vạn Phước, hội thảo từ ACC đến VNHA đã trở thành một diễn đàn thường niên, giúp cập nhật nhanh chóng những hướng dẫn điều trị, kết quả nghiên cứu lâm sàng mới nhất trên thế giới, đồng thời là cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm thực hành lâm sàng giữa các chuyên gia y tế. Các chuyên gia nhận định chăm sóc sức khỏe tim mạch là vô cùng quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh diễn tiến phức tạp của dịch Covid-19. Theo những báo cáo gần đây, bệnh nhân có bệnh lý nền tim mạch nhiễm Covid-19 thường dễ gặp nguy hiểm hơn với tỉ lệ tử vong cao nhất so với những bệnh nhân có bệnh lý nền khác.
Bình luận (0)