VnExpress.net đã trao đổi với ông Nguyễn Huy Quang, Vụ phó Vụ Pháp chế, Bộ Y tế về vấn đề này.
- Thưa ông, những trường hợp nào sẽ được phép xác định lại giới tính theo Nghị định mới?
- Có hai dạng sẽ được phép xác định lại giới tính.
Thứ nhất là những trường hợp khuyết tật bẩm sinh về giới tính:
+ Nam lưỡng giả nữ: Tức là bộ phận sinh dục có dương vật nhỏ, có thể sờ thấy tinh hoàn hoặc không, siêu âm hoặc nội soi thấy tinh hoàn, không có tử cung và buồng trứng. Nhiễm sắc thể giới tính là XY hoặc gene biệt hóa tinh hoàn dương tính hoặc kết hợp cả hai trường hợp trên.
+ Nữ lưỡng giả nam: Bộ phận sinh dục có âm vật phát triển như dương vật nhưng không sờ thấy tinh hoàn, siêu âm hoặc nội soi thấy có tử cung, buồng trứng, không thấy tinh hoàn. Nhiễm sắc thể giới tính là XX.
+ Lưỡng giới thật: Bộ phận sinh dục không xác định được là nam hay nữ. Tuyến sinh dục có cả tinh hoàn, buồng trứng. Nhiễm sắc thể giới tính có thể là một trong các dạng: XX/XY; XXX/XY, XX/XXXY hoặc có dạng nhiễm sắc thể khác được xác định là lưỡng tính thật.
Theo bác sĩ Nguyễn Thành Như - trưởng đơn vị Nam Khoa, Bệnh Viện Bình Dân, TP HCM, Nghị định này thật ra chỉ quy định lại những việc đã thực hiện từ lâu. Bệnh viện Bình dân đã thực hiện rất nhiều ca điều chỉnh lại giới tính cho các bệnh nhân khuyết tật giới hay chưa xác định được là nam hay nữ., bởi đó là bệnh lý nên không có quy định nào là không cho phép. Nhiều người khác tuy đã xác định rõ là nam hay nữ nhưng họ lại mong muốn được sống với giới tính khác và đó là điều hoàn toàn chính đáng, dù hiện nay chưa có cơ sở khoa học chính xác.
Thứ hai là các trường hợp chưa được định hình chính xác: khi nhiễm sắc thể giới tính có thể giống như ba trường hợp trên, nhưng bộ phận sinh dục chưa được biệt hóa hoàn toàn và không thể xác định chính xác là nam hay nữ.
- Vậy với những người vẫn được coi là đồng tính (gay, lesbian) về tâm lý, không có các khuyết tật trên thì sao?
- Họ bị cấm xác định lại giới tính bởi còn liên quan đến vấn đề đạo đức. Nghị định chỉ quy định là xác định lại giới tính cho những người khuyết tật về giới hay chưa phân biệt được là nam hay nữ chứ không phải là chuyển đổi giới tính cho những người đã hoàn thiện về giới bởi có thể đó là những trường hợp có sự lệch lạc về tâm lý. Mặt khác, việc xác định lại giới tính cũng có thể bị lạm dụng vì nhu cầu thương mại, trốn tránh trách nhiệm pháp lý hoặc trong thi đấu thể thao.
- Ông định nghĩa thế nào về những người đã hoàn thiện về giới?
- Đó là những người hoàn toàn bình thường, có bộ phận sinh dục xác định là nam hay nữ, có các cặp nhiễm sắc thể giới tính rõ ràng là XX hay XY.
- Một người muốn xác định lại giới tính thì phải làm những thủ tục gì?
- Người đó phải gửi hồ sơ đề nghị đến cơ sở y tế được phép thực hiện thủ thuật này. Cơ sở sẽ xem xét và trả lời bằng văn bản là có thể thực hiện hay không. Nếu được, cơ sở sẽ khám, xét nghiệm gene rồi căn cứ vào yếu tố tâm lý xem người đó có đặc trưng giới nghiêng về phía nào và quyết định xác định lại giới tính cho họ. Sau đó, cơ sở y tế cấp giấy chứng nhận cho họ. Bệnh nhân có thể mang giấy này đến UBND huyện, quận để được thay đổi hộ tịch nếu muốn.
Trường hợp xác định lại giới tính cho người chưa đủ 6 tuổi thì cha mẹ hoặc người giám hộ phải có đơn đề nghị, với những người từ 6 đến 18 tuổi thì trong đơn đề nghị phải có chữ ký của cha mẹ hoặc người giám hộ.
- Những trường hợp đã xác định lại giới tính ở nước ngoài hoặc trong nước trước khi có nghị định này thì sao?
- Những người này sẽ phải có giấy xác nhận của cơ sở y tế trước đó và đến các cơ sở y tế ở Việt Nam để được kiểm tra lại và cấp giấy chứng nhận.
Riêng những người không có khuyết tật về giới tính nhưng đã chuyển giới ở nước ngoài sẽ không được công nhận.
- Cơ sở y tế phải đảm bảo những điều kiện nào mới được thực hiện xác định lại giới tính?
- Cơ sở khám chữa bệnh đó có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, tổ chức và nhân sự theo quy định của Bộ Y tế. Được Bộ Y tế thẩm định và cho phép bằng văn bản. Cụ thể đó phải là bệnh viện chuyên khoa ngoại, sản, nhi hay bệnh viện đa khoa nhà nước tuyến tỉnh trở lên hoặc bệnh viện tư nhân tương đương. Một điều kiện bắt buộc là các cơ sở này phải có phòng xét nghiệm di truyền tế bào và di truyền phân tử, nếu chưa có phải ký hợp đồng với cơ sở có phòng xét nghiệm đó.
- Trước đây Việt Nam đã có văn bản hay quy định nào về vấn đề này chưa?
- Chưa từng có. Trước đây, những trẻ bị khuyết tật giới tính thường chỉ căn cứ vào bộ phận sinh dục rồi đăng ký khai sinh là nam hay nữ. Bởi nước ta vẫn là xã hội khép kín phương Đông chưa quan tâm thích đáng đến vấn đề này. Nhưng nay, Nhà nước thể hiện sự tôn trọng quyền tự nhiên của con người, trong đó có quyền được sống với giới tính đích thực của mình.
Đây là một bước tiến mới, là tin mừng cho những người gặp trục trặc về giới tính. Bởi nhiều người không có điều kiện ra nước ngoài để được điều chỉnh lại giới tính phù hợp, những người ra nước ngoài điều chỉnh được rồi lại sợ về nước không được công nhận và gặp những bất tiện trong cuộc sống khi những giấy tờ tùy thân không phù hợp với giới tính sau khi xác định lại.
Nghị định này sẽ có hiệu lực sau 15 ngày đăng công báo
Bình luận (0)