xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Người già đừng quá sợ mổ

Bài và ảnh: ANH THƯ

Lo lắng quá đáng hay chần chừ trước một ca phẫu thuật cơ xương khớp cần thiết có thể đe dọa sức khỏe người cao tuổi

Dù đã 75 tuổi, ông Ng.V.N (ngụ quận Phú Nhuận, TP HCM) vẫn thường chạy xe máy đến công viên tập thể dục hay đi gặp bạn bè. Trong một lần về nhà, ông bị một người say xỉn tông phải và đập đầu gối xuống đường. Dù đã uống thuốc, nghỉ ngơi nhưng mãi 2 tuần sau, bên đầu gối phải vẫn rất đau khiến ông hầu như không thể đi đâu được.

Sợ “không chịu nổi” phẫu thuật

Sau khi chụp MRI phát hiện phần sụn chêm bị tổn thương khá nặng, việc điều trị bằng thuốc không có nhiều hiệu quả nên bác sĩ (BS) chỉ định phẫu thuật cho ông N.

Việc ông N. đi chữa đầu gối đã nổ ra “cuộc chiến” dữ dội giữa 6 người con. Người này cho rằng BS nói mổ thì phải mổ; người khác lại bảo bệnh này nghe nói có thể điều trị bảo tồn (không phẫu thuật), nên cố gắng uống thuốc, hạn chế đi lại và… chờ cho hết đau. Lý do mà nhóm cho rằng không nên phẫu thuật đưa ra là người cha đã 75 tuổi lại có bệnh cao huyết áp. Ở tuổi này, nguy cơ biến chứng khi gây mê là hoàn toàn có thật, gia đình cũng phải ký một số cam kết trước phẫu thuật. Họ nói thà không đi lại được như xưa mà vẫn sống khỏe còn hơn lên bàn mổ và đối diện vô vàn nguy cơ.

Bác sĩ Khoa Chấn thương Chỉnh hình Bệnh viện Nhân dân Gia Định kiểm tra khả năng vận động của một cụ ông 95 tuổi vừa được phẫu thuật
Bác sĩ Khoa Chấn thương Chỉnh hình Bệnh viện Nhân dân Gia Định kiểm tra khả năng vận động của một cụ ông 95 tuổi vừa được phẫu thuật

Cuộc tranh cãi giữa các con ông N. mãi không thấy hồi kết. Sau 3 tuần gần như ngồi một chỗ với cái chân đau, ông than thở: “Ngày trước, cứ sáng là tôi ra công viên đi bộ mấy vòng; chiều chiều ngồi uống trà, chơi cờ, thỉnh thoảng đi viếng chùa, thăm người này, người kia, thấy tuổi già cũng còn nhiều cái thú. Nhưng mấy tuần nay ngồi một chỗ, tôi thấy mệt mỏi hẳn, cảm giác như già thêm chục tuổi…”.

TS-BS Nguyễn Tiến Lý, Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM, cho biết ông từng gặp khá nhiều trường hợp người thân tỏ ra chần chừ, lo ngại khi cha mẹ, ông bà… phải đối diện những ca phẫu thuật về xương khớp. Có thể nói, bệnh hay tai nạn liên quan đến xương khớp ở tuổi già không phải là chuyện hiếm. Về bệnh thì nhiều nhất là thoái hóa khớp; còn tai nạn có thể kể đến là chấn thương cổ xương đùi, thân xương đùi…

Lên bàn mổ, đương nhiên người già phải đối mặt nhiều nguy cơ hơn người trẻ tuổi vốn khỏe mạnh, không mắc các bệnh lý nội khoa. Tuy nhiên, không chịu mổ trong những tình huống cần mổ thì sức khỏe, tinh thần, chất lượng sống của người cao tuổi cũng sẽ bị đe dọa. Theo TS Lý, ông và đồng nghiệp từng phẫu thuật cho nhiều bệnh nhân trên 90 tuổi. Nhiều người đã sớm vận động, đi đứng trở lại sau cuộc mổ.

Người nhà nên trao đổi với bác sĩ

BS Đinh Văn Thủy, Trưởng Khoa Chấn thương Chỉnh hình BV Nhân dân Gia Định, cho rằng người cao tuổi vẫn có thể trải qua cuộc mổ an toàn ở những cơ sở y tế đáng tin cậy, đủ phương tiện kỹ thuật và người nhà nên trao đổi cẩn thận với thầy thuốc. Một BV tuyến trên, có nhiều chuyên khoa để hỗ trợ trong trường hợp bệnh nhân cao tuổi mắc đa bệnh lý sẽ là phương án tốt.

“Tại khoa, thường chúng tôi có hơn 10 bệnh nhân ở độ tuổi trên 80 cho đến khoảng 95. Cá biệt, một số trường hợp bệnh nhân trên trăm tuổi vẫn trải qua cuộc mổ an toàn. Điều khiến ca mổ của người cao tuổi có thể gặp nhiều nguy cơ là do các bệnh lý họ đang mắc phải cũng như sức khỏe tổng thể. Họ cần được khám, làm đầy đủ các xét nghiệm, điều trị ổn định các bệnh lý nội khoa nếu cần… trước khi đối diện ca mổ. Nếu lo lắng, người nhà nên trao đổi với BS điều trị về các bệnh mà bệnh nhân đang mắc, nhất là bệnh tim mạch, hô hấp, đái tháo đường… để kíp mổ có phương án dự phòng nguy cơ. Khi chỉ định mổ, BS cũng đã cân nhắc kỹ xem sức khỏe bệnh nhân có bảo đảm hay không” - BS Thủy nhấn mạnh. Ông cũng cảnh báo trong một số chấn thương như gãy cổ xương đùi ở người già, nhất định phải phẫu thuật chứ không thể cố định và chờ cho liền lại vì sẽ rất nguy hiểm.

BS Lý phân tích: “Trong hầu hết các trường hợp có chỉ định mổ do chấn thương hay bệnh lý, nếu không mổ thì bệnh nhân rất đau đớn và sợ vận động. Cho dù đó là bệnh lý không phải chỉ định mổ cấp cứu, việc bệnh nhân bất động lâu cũng dễ dẫn đến nhiều bệnh khác và tất nhiên chất lượng sống sẽ giảm sút”.

Vẫn ưu tiên điều trị bảo tồn

TS-BS Nguyễn Tiến Lý cho biết trong hầu hết các vấn đề về cơ xương khớp, BS vẫn ưu tiên điều trị bảo tồn (nội khoa, vật lý trị liệu, dùng dụng cụ chỉnh hình…) dù bệnh nhân đã già hay trẻ tuổi. Nếu không may cha mẹ, ông bà… gặp các vấn đề cơ xương khớp, đừng quá lo lắng về cuộc phẫu thuật mà trước hết hãy đưa đến BS chuyên khoa để khám, đánh giá đúng vấn đề. Phẫu thuật là lựa chọn cuối cùng mà các BS chỉ định khi thật sự cần thiết và xét thấy sức khỏe bệnh nhân đủ để trải qua cuộc mổ.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo